Tin tức
2 yếu tố tác động đến thị trường BĐS Việt nam giai đoạn 2017 - 2021
LLGroup – Tình hình chính trị và kinh tế nhiều biến động trên thế giới chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong thời gian tới. Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, TPP và nhân tố Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến thị trường trung hạn và dài hạn, đặc biệt là giai đoạn 2017 – 2021.
2 nhân tố tác động mạnh đến thị trường
HoREA cho biết, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư, chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, và đặc biệt là thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn sẽ bị tác động bởi 2 yếu tố: yếu tố bất định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ có khả năng chưa (hoặc không) phê chuẩn, hoặc có thể đàm phán lại; và nhân tố Trung Quốc với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến trở thành hiện thực.
Song song đó, Hiệp hội cũng dự báo thị trường sẽ có xu hướng tích cực hơn trước đây nhờ vào hệ thống pháp luật (trước hết là pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, tín dụng, tiền tệ, thuế...) đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện; năng lực điều hành của Chính phủ, các Bộ, Nghành, các tỉnh, thành phố sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
Theo đánh giá của HoREA, thị trường bất động sản thành phố sẽ phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững hơn khi các chương trình như "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị" theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X; Chương trình phát triển nhà ở xã hội, sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền…được đẩy mạnh triển khai.
Không dừng lại ở đó, các công trình hạ tầng – giao thông như đường giao thông, metro, xe buýt nhanh,…nói chung là kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới kết nối sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường bất động sản, cả trong trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, HoREA cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng lệch pha cung - cầu ở phân khúc bất động sản cao cấp (bao gồm cả bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng); tình trạng một số tập đoàn bất động sản quy mô rất lớn đang được nhận nguồn vốn tín dụng rất lớn, và huy động rất nhiều nguồn vốn xã hội (trong đó có nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp).
“Bong bóng” là không thể
Cùng với những nhận định sơ bộ về thị trường, HoREA cũng đưa ra 5 lý do cụ thể chứng minh việc hình thành “bong bóng” BĐS trong năm 2017 là điều khó xảy ra. Cụ thể:
- Nền kinh tế nước ta hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng chậm, chưa có biểu hiện phát triển nóng. Khi nền kinh tế phát triển nóng là nền tảng để phát sinh "bong bóng" bất động sản, do các doanh nhân và người dân cũng sẽ dễ kiếm tiền, từ đó sẽ chuyển qua đầu tư bất động sản, hoặc mua bất động sản làm tài sản để dành.
- Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt, không có hiện tượng buông lỏng tín dụng. Trong trường hợp Nhà nước buông lỏng chính sách tín dụng, các ngân hàng hạ chuẩn, dễ dãi cho vay tín dụng, và thiếu kiểm soát sử dụng vốn vay, là điều kiện trực tiếp dẫn đến "bong bóng" bất động sản.
- Có sự phát triển lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, đang có hiện tượng này, nhưng chỉ một yếu tố này thì chưa đủ điều kiện dẫn đến "bong bóng" bất động sản. Nếu Nhà nước điều chỉnh ổn thỏa chính sách, cơ chế để điều tiết thị trường, doanh nghiệp tái cấu trúc đầu tư, tái cơ cấu dự án để điều chỉnh sản phẩm bất động sản sang các phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền đang có nhu cầu thực và có tính thanh khoản cao thì thị trường sẽ an toàn.
- Có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, được dẫn dắt bởi một số người đầu cơ chuyên nghiệp, tạo được sóng và lướt sóng kiếm lợi rất nhanh trên thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "bong bóng". Hiện nay, cũng có tình trạng gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, nhưng tỷ lệ mới ở mức trên dưới 50% trong phân khúc bất động sản cao cấp.
- Nếu Nhà nước không sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch để điều tiết ngay khi thị trường bất động sản xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".
Từ những nhận định trên, những người đang có nhu cầu đầu tư BĐS có thể an tâm tiếp tục đầu tư bởi hiện tượng “bong bóng” trong năm 2017 vẫn là điều chưa có cơ sở.
Jen Phạm
L&L Group – Tin tổng hợp