Tin tức
40.000 tỷ đồng được TPHCM dành cho đầu tư công
LLGroup – 40.000 tỉ đồng là số vốn được phê duyệt cho kế hoạch đầu tư công cho của TPHCM. HĐND TPHCM vừa mới thống nhất và phê duyệt cho các công trình công cộng cho năm 2018, đặc biệt chú trọng về những công trình giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và các dự án dân sinh thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế...
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường, cho biết thành phố đã bố trí được 11.600 tỉ đồng cho chương trình ưu tiên đầu tư nhằm giảm ùn tắc giao thông hai năm 2016-2017, trong ba năm tiếp theo 2018-2020 thành phố cần thêm nguồn vốn khoảng 41.000 tỉ đồng nữa.
Trong phần vốn dành cho đầu tư công năm 2018 của TPHCM, ngân sách Trung ương chiếm khoảng 843 tỉ đồng, vốn vay ODA là 2.864 tỉ đồng và nguồn vốn ngân sách thành phố chiếm phần còn lại, khoảng 36.165 tỉ đồng.
Theo đó, để giảm tình trạng kẹt xe - vấn nạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và môi trường đầu tư trong nhiều năm qua, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch nâng diện tích đường tăng thêm gần 280.000 mét vuông, xây thêm 8 cây cầu, khẩn trương hoàn thành các hạng mục của dự án đường sắt đô thị, phát triển mạng lưới xe buýt với năng lực vận chuyển 600 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển TPHCM, mà còn tác động không nhỏ tới các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Một khi giao thông và hạ tầng phát triển, đồng nghĩa với việc các dự án bất động sản cũng theo đà đi lên, cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho thị trường, đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân. Đồng thời kết nối vùng ven Sài Gòn với trung tâm thành phố, mở rộng khu vực phát triển bất động sản cũng như góp phần hỗ trợ kế hoạch giãn dân cho TPHCM.
Theo báo cáo của UBND thành phố, trong năm 2017 thành phố thu ngân sách đạt 347.982 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm 2016. Trong năm 2018, thành phố đặt mục tiêu thu 376.780 tỉ đồng, tăng 8,28% so với việc thực hiện trong năm 2017.
"Các giải pháp về đơn giản hóa thủ tục sẽ được thúc đẩy, để giảm bớt các chi phí gia tăng do sự chậm trễ trong bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình giao thông; việc đấu giá các công trình nhà đất thuộc các doanh nghiệp trung ương trên địa bàn thành phố để có thêm nguồn vốn cũng được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó là nguồn vốn đến từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp, kiểm soát nguồn thu từ một số phí, lệ phí, tiền xử phạt vi phạm hành chính... Có như vậy mới có thể đáp ứng khoản đầu tư tối thiểu 41.000 tỉ đồng nói trên", ông Cường chia sẻ.
Trong khi đó, ở lĩnh vực môi trường, chính quyền thành phố tiếp tục kiểm soát tình trạng ô nhiễm và các công trình chỉnh trang đô thị học hai bên bờ kênh, cải tạo và xử lý môi trường trên sông, hồ, ao, mương bị ô nhiễm nặng, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp