Tin tức
BĐS Việt Nam vẫn đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài
LLGroup – FDI tiếp tục đổ vào thị trường BĐS không chỉ tạo điều kiện về mặt vật chất cho các nhà đầu tư mà còn thúc đẩy động lực để phát triển xã hội. Cụ thể là vấn đề Nhà nước sẽ xem xét cẩn thận và công bố quy hoạch rõ ràng về đầu tư phát triển thị trường BĐS, trong đó nêu ra định hướng rõ rệt cho FDI trên cơ sở đã huy động tối đa nguồn lực trong nước, trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương hướng dẫn cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các DN triển khai thực hiện.
Ảnh minh họa
Là một người làm công tác quản lý FDI lâu năm và tham gia Hiệp hội BĐS Việt Nam, Ts. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đánh giá tích cực về xu hướng FDI vào BĐS Việt Nam.
Ông cho rằng, trong thời gian này, số lượng vụ M&A BĐS theo hướng bên chuyển nhượng là các chủ đầu tư nước ngoài, bên nhận chuyển nhượng là các công ty trong nước có tỷ lệ khá lớn.
Biểu hiện cụ thể là hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế của VnREA rất sôi động, hiệu quả trong thời gian gần đây: Quốc kỳ Việt Nam đã bay cao tại hội nghị quốc tế về BĐS tại Incheon (Seoul, Hàn Quốc) với sự tham gia tích cực của Đoàn đại biểu VnREA trong tháng 9/2016; chuyến thăm và làm việc với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực BĐS của Nhật Bản (như Sumitomo, Misubishi, Haseko, Taissei, Sanyo - Home...) của Hội BĐS du lịch Việt Nam (VnTPA) - một thành viên của VnREA - trong tháng 10/2016.
Sự liên kết đó sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với việc nhận lời tham dự Đại hội lần thứ 4 của VnREA vừa qua ngày 15/10/2016, tại Hà Nội, của nhiều hiệp hội BĐS các nước, các đại diện các tập đoàn, công ty nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào BĐS tại Việt Nam.
Từ thực tiễn kết quả đầu tư từ nguồn vốn FDI được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT công bố nhiều năm gần đây, cho thấy FDI vào BĐS Việt Nam trong thời gian qua, kể cả trong thời kỳ suy giảm chung 2009 - 2012, vẫn luôn đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các ngành nghề thu hút FDI hàng năm, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với xu thế này, qua các hoạt động đầu tư thực tiễn gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản, như của các tập đoàn Aeon, Taissei, Haseko, Sumitomo, Mitsubishi,… và sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ như LVS, cho thấy xu hướng FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Từ những thực tiễn có được, có thể thấy các hoạt động này đã mang lại các giá trị to lớn cho các DN Việt Nam bởi việc tận mắt thấy kỹ thuật, quy trình quản lý tạo ra chất lượng hàng đầu cho các công trình BĐS đang được triển khai tại Nhật Bản, đầu tư cho thiết bị kỹ thuật và quản lý các tòa nhà cao tầng có quy mô lớn khi vận hành; giải pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án BĐS quy mô lớn,…
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với chúng ta là nên đón nhận dòng vốn này trong thời gian tới như thế nào. Đó không phải chỉ là việc lựa chọn cẩn thận nhà đầu tư trên cơ sở nắm rõ lịch sử, thành tựu của họ đã đạt được trong quá khứ và thực trạng hoạt động hiện nay của họ và của các DN Việt khi tiến hành liên kết, liên doanh đầu tư.
Ngoài ra, cần tiến hành rà soát lại ngay thực trạng các dự án BĐS FDI đã được cấp phép, đặc biệt các dự án có quy mô lớn, để có các giải pháp xử lý phù hợp đối với các dự án chậm triển khai...
Đồng thời, các bộ ngành liên quan rà soát lại hệ thống các văn bản pháp lý, bao gồm cả các luật, nghị định của Chính phủ, thông tư, thủ tục hành chính của các bộ liên quan đến đầu tư, kinh doanh, tài chính, tín dụng, đất đai, BĐS để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho các DN cả trong và ngoài nước đang đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BĐS. Thực hiện tốt những vấn đề này thì thị trường BĐS sẽ luôn phát triển vững mạnh, ổn định.
Lê Vi
LLGroup – Tin tổng hợp