Tin tức
Cơ chế nào cho nhà ở xã hội?
LLGroup – Mục tiêu và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn rất cao. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định, phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Thế nhưng kết quả chưa thực sự được như kỳ vọng.
Mục tiêu phát triển đến năm 2020 là phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở, giảm áp lực nguồn cung nhà ở cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, với tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định, phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Cùng với việc phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, thì cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Thế nhưng thực tế, những kết quả đạt được chưa được như kỳ vọng.
Gói 30.000 tỷ đồng đã đem lại cơ hội cho hàng vạn người có điều kiện tiếp cận và sở hữu nhà ở và một số ít các doanh nghiệp bất động sản. Thế nhưng con số này vẫn còn quá ít khi so sánh với hàng triệu hộ gia đình đang không đủ khả năng có một căn hộ với điều kiện sinh sống tối thiểu. Và hiện nay, sau khi gói vốn 30.000 tỷ đã cạn, chưa có gói vốn ưu đãi nào thay thế thì doanh nghiệp xây nhà ở xã hội vẫn đang gặp khó khăn.
Trong hơn 1 năm qua, gói tín dụng 2.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội liên tục được đề cập, nhưng chưa thể giải ngân, lý do chủ yếu là do bố trí nguồn vốn cần ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất.
Hơn thế nữa, lợi nhuận bị khống chế, gói vốn ưu đãi tập trung nhiều vào nguồn cung khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội. Mặt khác, cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội chủ yếu để bán, mà không hướng tới đối tượng cho thuê, thuê mua, trong khi các đối tượng có nhu cầu thuê và thuê mua đang rất lớn.
Bên cạnh đó vẫn tồn tại bất cập trong gói vay 30.000 tỷ đồng khi nhiều đối tượng thu nhập thấp thực sự lại bị hạn chế bởi quy định người mua nhà phải đóng 30% giá trị của nhà/căn hộ mà người thu nhập muốn sở hữu, hoặc phải bỏ 100% tiền ứng trước sau đó mới tính đến việc hỗ trợ tài chính…
Đây là những hạn chế rất lớn, khiến việc phát triển nhà ở xã hội gặp vướng mắc và khó khăn. Rõ ràng, cần có những đánh giá và nhìn nhận lại một cách xác đáng để có thái độ ứng xử mới phù hợp hơn đối với loại hình nhà ở mang tính chất an sinh này.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp