Tin tức
Giải pháp nào cho nhà ở xã hội?
LLGroup - Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Mới đây, Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, cùng với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao vai trò của thị trường BĐS. Theo Bộ trưởng, từ năm 2013 đến nay, tính thanh khoản của thị trường BĐS tăng ở hầu hết các phân khúc, sản phẩm, giao dịch tăng trở lại và duy trì mức khá, cơ cấu hàng hóa BĐS được được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường; Mặt bằng giá cả BĐS ngày càng ổn định, phù hợp với khả năng chi trả của người dân; lượng tồn kho BĐS giảm; lĩnh vực đầu tư BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự báo trong năm 2018 thị trường BĐS chưa có dấu hiệu biến động lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tuy nhiên thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn còn một số biểu hiện như: Nguồn vốn đầu tư kinh doanh BĐS chưa đa dạng. Cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ, dư cung ở một số BĐS cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; một số doanh nghiệp tập trung BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng mà chưa quan tâm đến phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội.
Việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều khó khăn, nguồn cung đang rất thiếu. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân là nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn thấp. Một số chính sách hỗ trợ nhà ở đang thực hiện nhưng thiếu nguồn vốn triển khai tiếp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn cho các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn còn chậm.
Cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đứng ngoài việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội vì liên quan đến lợi nhuận, thủ tục hành chính còn phải qua nhiều cửa. Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội khi lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị còn khó khăn.
Để thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Được dành 20% diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại để bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.
Hơn nữa, chủ đầu tư còn được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và vay vốn ưu đãi từ tổ chức tín dụng để đầu tư dự án. Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân, hoặc mua, thuê nhà cho công nhân ở, thì chi phí nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân trong thời gian tới, nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội. Theo chỉ thị, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính..., để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở. Kết hợp với các bộ ban nghành, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên kèm theo các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao,... theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, dù nhiều chính sách ưu đãi, nhưng việc triển khai trong thực tế còn một số vướng mắc, trong đó 2 vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi và vấn đề giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng kỹ thuật.
Các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần bố trí sớm nguồn vốn ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, cả cho chủ đầu tư và người mua nhà. Ngoài ra, cần ban hành khung định mức để hạch toán các chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối cho các dự án phát triển nhà ở xã hội. Có như vậy, phân khúc nhà ở xã hội mới đủ lực phát triển trong tương lai, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường bất động sản.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp