Tin tức
Giảm lãi suất huy động có kích thích thị trường BĐS?
LLGroup - Việc một số Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ ở các kỳ hạn dưới 1 năm được đánh giá là sẽ kích thích thị trường BĐS trong những tháng cuối năm, song cũng cảnh báo các nhà đầu tư địa ốc cần thận trọng.
Một số ngân hàng có động thái giảm lãi suất, đây có thể là tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản.
Nếu là xu hướng chung, việc giảm lãi suất sẽ kích thích thị trường
Cụ thế, lãi suất huy động VNĐ ở các kỳ hạn dưới 1 năm sẽ được điều chỉnh giảm từ 0,3 - 0,5%. Trong tín dụng BĐS, lãi suất luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất huy động chưa thể xác định có phải là xu hướng chung hay không. Nếu là xu hướng chung thì có thể kéo lãi suất cho vay xuống từ đây đến cuối năm. Điều này sẽ mang lại những tác động tích cực đến thị trường BĐS, kích thích người mua nhà.
Nguồn vốn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các ngân hàng hạng trung và hạng nhỏ. Sắp tới, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho trung và dài hạn sẽ kéo xuống từ 60% xuống 50%. Tình trạng nợ xấu cũng làm cho dòng vốn tín dụng không quay ngược trở lại ngân hàng. Do đó, rất có thể việc giảm lãi suất chỉ là xu hướng của một vài ngân hàng lớn.
Vẫn còn phải xem xét lại
TS. Đinh Thế Hiển đã có ý kiến cho rằng: “Việc giảm lãi suất nói trên nằm trong một số ngân hàng thương mại của nhà nước, chứ không phải ở tất cả các ngân hàng. Những ngân hàng này thanh khoản tương đối dồi dào và mạnh, họ đáp ứng sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm này chưa thể hiện rõ ràng là các ngân hàng thương mại đang dư thừa thanh khoản. Thêm nữa, mức tăng trưởng tín dụng hiện nay mới có khoảng 10%, mức này không phải là cao, cho nên khả năng các ngân hàng vẫn phải nỗ lực để tìm cách tăng trưởng tín dụng nữa. Như vậy, tiền nằm trong ngân hàng của họ chưa thể là dư nhiều được. Đó là tình hình chung”.
Theo chuyên gia, giảm lãi suất cho vay thì mới tạo động lực cho bất động sản. Mức giảm lãi suất huy động VNĐ từ 0,3 - 0,5% chỉ là một tín hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu vốn của ngân hàng không còn căng thẳng lắm, còn việc tác động tới thị trường thì vẫn chưa rõ ràng. Vì thế không nên chủ quan.
Ông Hiển cho biết thêm: “Hiện giờ vấn đề này vẫn còn đang có khó khăn ở chỗ ngân hàng vẫn quen là phải có thế chấp tài sản, mà tài sản đó chính là nhà đất. Và ngân hàng cũng đã bị những cú nặng trong vấn đề cho vay, mất vốn vào doanh nghiệp sản xuất nên họ cũng rất lo ngại. Hoặc những dự án đầu tư đắp chiếu, trùm mền trong thời gian vừa qua cũng làm cho ngân hàng bị kẹt trong vấn đề thu hồi vốn. Cho nên, mặc dù ngân hàng cũng đang nỗ lực đưa vào doanh nghiệp nhưng tiếng nói chung giữa hai bên vẫn cần có thời gian”.
Trên thực tế, lãi suất không quyết định dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh, mà chính là cơ chế cho vay và vấn đề gặp nhau giữa ngân hàng và các doanh nghiệp hay việc đánh giá rủi ro và đánh giá về sử dụng vốn của doanh nghiệp quyết định điều này.
Jen Phạm
L&L Group - Tin tổng hợp