Tin tức
Gói tín dụng ưu đãi nhà ở sẽ triển khai trong 2018
LLGroup - Ngày 03/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đặc biệt, gói vay này sẽ được triển khai lập tức trong năm nay.
Chiều ngày 11/4, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội sẽ kéo dài và trong năm 2018, gói tín dụng này có giá trị 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ bố trí 500 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thu xếp 500 tỷ đồng còn lại.
Theo đó, lãi suất ưu đãi sẽ là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Đối tượng được vay vốn bao gồm người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Lý cho biết, ngay thời điểm hiện tại đơn vị Ngân hàng Chính sách xã hội đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xét duyệt vay vốn.
Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp người vay vốn có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay về thời hạn cho vay thấp hơn. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Đặc biệt, tài khoản tiền gửi của người vay vốn. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay mở tài khoản tiền gửi cho người vay vốn để phục vụ cho việc gửi tiền tiết kiệm và trả lãi theo quy định trong thời gian gửi tiền tiết kiệm cũng như tạo nguồn trả nợ, trả lãi trong thời gian thu nợ. Nếu người vay vốn chuyển tiền trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được miễn phí.
Tài khoản tiền gửi chỉ được sử dụng để theo dõi số tiền nộp vào tài khoản; nhập lãi tiền gửi theo định kỳ; trích thu nợ gốc, thu lãi theo thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng tín dụng giữa người vay vốn và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp