Tin tức
Hạ tầng giao thông sẽ đánh thức khu vực Tây Bắc
Được ví như “nàng công chúa ngủ quên” của thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Tây Bắc đã gần như bị lãng quên suốt 15 năm, sau khi được lên kế hoạch quy hoạch thành khu đô thị vệ tinh của thành phố.
Cầu đã xong mà đường... chưa thông
Đường tỉnh lộ 9 là huyết mạch của huyện Củ Chi nối từ Lê Văn Khương (quận 12) đi Củ Chi qua cầu Phú Cường đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) dài 6km. Đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc, xe tải thường xuyên qua lại mặc dù có những đoạn chỉ rộng 5 – 6m, chật hẹp nhiều ổ gà. Không đảm bảo an toàn cho xe đạp, xe máy lưu thông trên đường.
Cũng mang vai trò là con đường huyết mạch của Củ Chi, tỉnh lộ 8 nối Củ Chi với Long An – TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Tỉnh lộ 8 có chiều dài 6,8km, rộng 20m (kể cả vỉa hè), được phê duyệt từ năm 2008, thời hạn thực hiện dự án từ quý 3-2008 đến quý 4-2009. Thế nhưng đến bây giờ sau 10 năm thực hiện dự án nâng cấp con đường này vẫn chưa làm xong, thậm chí còn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Lãnh đạo sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện nay Sở đã thẩm định xong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến tỉnh lộ 8) huyện Củ Chi theo hình thức PPP (hợp đồng BT) đang chờ UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76km, thuộc công trình cấp 2, tốc độ thiết kế 60km/giờ. Dự kiến thời gian thi công trong 2 năm 2017-2019 với tổng mức đầu tư 1.047 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Thuận, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi (chủ đầu tư dự án tỉnh lộ 8) cũng cho biết, dự án nâng cấp đường tỉnh lộ 8 chậm triển khai là do vướng nhiều thủ tục pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành nên không thể triển khai. Hiện nay, toàn dự án mới hoàn thành khoảng 75% khối lượng, vẫn còn 15 hộ không chấp nhận mức giá bồi thường, 10 hộ nằm trong diện bồi thường của một dự án khác. Vì thi công chậm nên vối đầu tư đã tăng từ ừ 186 tỉ đồng lên 870 tỉ đồng.
Cần đánh thức “nàng công chúa ngủ quên”
Lãnh đạo quận 12 đã mời đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng phía Đông để xây dựng đường Vườn Lài, cầu Vàm Thuật kết nối với trung tâm thành phố. UBND TP.HCM cũng đã đồng ý để quận triển khai dự án đường Vườn Lài, cầu Vàm Thuật ở mặt đất sẽ kết nối với phường 13, quận Bình Thạnh; dự án đường trên cao số 4 sẽ đi trên cao đường Vườn Lài kết nối với đường Thái Sơn, quận Gò Vấp.
Bên cạnh đó, thành phố đã kiến nghị và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý xây dựng tuyến đường trên cao số 5 từ nút xoay An Lạc kết nối với nút giao Xa Lộ Hà Nội - Quốc lộ 1A (đoạn khu Công Nghệ Cao, quận 9). Đó là chưa kể, công trình hầm chui An Sương đang thực hiện; đường Thới An - Thạnh Xuân (song song với QL 1A) kết nối với cầu Phú Long qua Bình Dương cũng đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương và ghi nhận vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, để phát triển kinh tế Tây Bắc, chỉ còn cách đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Một trong những dự án trọng điểm để tháo nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc đang được thi công hối hả ngày đêm là nút giao thông An Sương (quận 12). Việc xây dựng công trình này sẽ giúp thông thoáng trục đường huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TP.HCM về huyện Củ Chi, tỉnh Tây Ninh...
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cũng cho rằng, hạ tầng giao thông như một cây đũa thần để phát triển giao thông khu Tây Bắc TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay giao thông đến với khu kinh tế Tây Bắc TP.HCM chủ yếu qua nút giao Cộng Hòa - Trường Trinh - Ngã Tư An Sương - Quốc Lộ 22. Nhưng nút giao thông này hiện nay đang quá tải nên đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của cả vùng, trong đó có quận 12.
Tóm lại, không còn cách nào khác để đánh thức khu vực Tây Bắc là đầu tư vào hạ tầng giao thông, cải thiện những con đường huyết mạch, tạo nên đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp