Tin tức
Hiệu quả đầu tư đường Vành Đai 3 – Tác động tích cực đến đất nền vùng ven
LLGroup - Đầu tư xây dựng khép kín đường Vành Đai 3 rất quan trọng, cấp thiết để kết nối với các địa phương gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai và Tây Ninh. Từ đó sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán, bất động sản khu vực vùng ven và cận TP.HCM phát triển.
Tuyến đường vành đai 3 được đầu tư xây dựng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM và góp phần hình thành giao thông theo hướng đô thị đa trung tâm.
Mới đây, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cũng đã có báo cáo gửi Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư về đầu tư dự án đường vành đai 3. Trong đó nói rõ về tính hiệu quả đầu tư từng đoạn tuyến của đường vành đai 3.
Cụ thể như việc đầu tư xây dựng đoạn 1 Nhơn Trạch - Tân Vạn sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực cảng Cát Lái, giảm lưu lượng xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai), nhất là đoạn cao tốc trên địa bàn TP.HCM, đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội. Từ đó chắc chắn sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông ở cửa ngõ phía đông TP, đặc biệt là nút giao thông An Phú.
Ngoài ra, do đoạn 2 đường vành đai 3 đã được đầu tư (16km đi qua tỉnh Bình Dương), nên khi đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn được đưa vào sử dụng sẽ làm tăng hiệu quả cho dự án.
Lúc đó tuyến đường đã hoàn thành gồm đoạn 1 và 2 sẽ phát huy tiềm năng, đảm bảo hướng kết nối từ khu vực phía đông TP lên phía bắc và phía tây TP.
Riêng đoạn 3 của đường vành đai 3 (từ Bình Chuẩn - quốc lộ 22) khi được hoàn thành, Sở GTVT đánh giá tuyến đường sẽ đóng vai trò kết nối toàn bộ khu vực các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM và Long An.
Đây cũng là mạch giao thông để kết nối với hệ thống giao thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đổ về.
Ngoài những mặt được trên, những đoạn đã hoàn thành trên tuyến đường vành đai 3 còn góp phần kết nối giao thông của cả khu vực với đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Tây Ninh. Từ đó góp phần giúp TP.HCM giảm lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 1, nút giao thông An Sương.
Đặc biệt là trong giai đoạn TP chưa thể triển khai được đường trên cao số 5 (đi dọc quốc lộ 1) và chưa đầu tư khép kín đường vành đai 2.
Còn việc đầu tư đoạn 4 cho tuyến đường vành đai 3 (đoạn từ quốc lộ 22 đến Bến Lức) sẽ đóng vai trò kết nối giao thông khu vực với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang.
Khi đó đoạn đường này sẽ kết nối giao thông với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Tây Ninh.