Tin tức
HoREA kiến nghị sửa luật để thị trường BĐS phát triển toàn diện
LLGroup – Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng 2014, luật Nhà ở 2014, luật Kinh doanh bất động sản 2014, luật Quy hoạch đô thị 2009, là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và sắp tới.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị sửa hàng loạt điều luật về xây dựng, nhà ở, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản.
Luật còn nhiều bất cập
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết lý do cần sửa đổi, bổ sung là bởi trong quá trình thực hiện 4 luật này và các luật về đầu tư, kinh doanh (luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Đấu thầu…), bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như: thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp với thực tiễn, quy trình cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật lẽ ra phải được quy định trong "một quy trình - thủ tục hành chính", nhưng hiện nay lại "bị tách ra thành 3 quy trình - thủ tục hành chính", hoặc phân cấp thẩm duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật chưa hợp lý; chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch).
Ngoài ra, một số quy định về đất ở, quyết định chủ trương đầu tư chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng yêu cầu theo quy định của luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành nghề còn phức tạp; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…
Trong các kiến nghị sửa đổi luật Xây dựng, HoREA kiến nghị bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm: công trình xây dựng thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình tại các khu vực đô thị đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt; một số công trình quảng cáo, công trình quy mô nhỏ khác, nhằm góp phần giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với một số công trình quy mô nhỏ, đơn giản hoặc đã được nhà nước kiểm soát về quy hoạch, thiết kế xây dựng.
Cần nới rộng quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài
TP.HCM có gần 13 triệu dân, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư, phần lớn người nhập cư phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập. Tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp có 274.622 công nhân, lao động, trong đó có 69% là người ngoại tỉnh, và chỉ có 8,54% có chỗ ở tại các khu nhà lưu trú chính quy; hơn 90% phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập. Thành phố còn có khoảng 500.000 sinh viên, 80% là người ngoại tỉnh, phần lớn cũng phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập.
Trước thực tế đó, về phát triển nhà ở xã hội cho thuê dạng phòng trọ, nhà trọ, HoREA kiến nghị sửa đổi luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê.
Theo HoREA, luật Nhà ở 2014 cho phép cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay người nước ngoài chưa được thực hiện đầy đủ các quyền của chủ sở hữu nhà ở như: chưa được quyền bán lại nhà ở cho người Việt Nam, hoặc cho cá nhân nước ngoài, mà chỉ được bán lại cho chủ đầu tư… Do vậy, cũng cần nới rộng quyền của chủ sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Lê Vi
LLGroup – Tin tổng hợp