Tin tức
Khởi công 3 gói thầu cuối dự án xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành
LLGroup – Dự án cao tốc đang được đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng tại các gói thầu qua địa bàn, nhằm đảm bảo đưa toàn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành vào khai thác năm 2020.
Theo kế hoạch, tuyến cao tốc dài 57,8 km này sẽ hoàn thành năm 2020, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đồng thời, góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51, rút ngắn hành trình, thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa miền Tây và Đông Nam bộ. Từ đó, các huyện vùng ven tại Tp.HCM như thị trường Nhà Bè, Bình Chánh sẽ sôi động và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày 8/11 vừa qua, tại Long Thành, Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã khởi công 3 gói thầu A5, A6, A7 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Dự kiến, năm 2020 sẽ hoàn thành tuyến cao tốc này.
Ba gói thầu được khởi công ngày 8/11 đều đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Đây là 3 gói thầu cuối cùng của đường cao tốc này được khởi công
Trong đó, gói thầu A5 sẽ xây dựng tuyến đường dài 3,45 km; 2 cầu Ông Kèo và Bầu Sen. Gói thầu A6 sẽ xây dựng tuyến đường dài 16,5 km, xây dựng cầu vượt Phước An. Đồng thời, xây dựng một trạm thu phí, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng…
Còn gói thầu A7 xây dựng tuyến đường dài 5,3 km, xây dựng 2 cầu Thị Vải và Rạch Ngoài. Ngoài ra, sẽ xây dựng một nút giao quốc lộ 51, một trạm thu phí và hệ thống chiếu sáng…
Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,7 km. Trong đó, đi qua địa phận tỉnh Long An gần 5,5 km, TPHCM gần 25 km (trong đó có địa bàn huyện Nhà Bè) và tỉnh Đồng Nai hơn 27 km. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ.
Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,6 tỉ đô la Mỹ). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 635,7 triệu đô la. Còn lại là vốn vay Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 634,8 triệu đô la và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Tuyến cao tốc này sẽ nối vùng Tây Nam bộ với Đông Nam bộ, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian lưu thông và hành trình vận chuyển hàng hóa giữa 2 vùng. Ngoài ra, khi khai thác tuyến cao tốc này sẽ giảm lượng xe quá cảnh qua TP.HCM, giảm ùn tắc cho các cửa ngõ của TP.HCM, thúc đẩy kinh tế, xã hội, thị trường BĐS thành phố nói chung và các quận huyện vùng ven như Nhà Bè nói riêng phát triển.
Lê Vi
LLGroup – Tổng hợp