Tin tức
Kịch bản nào cho thị trường đất nền TPHCM 2018?
LLGroup – Kể từ ngày 1/1/2018, Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM chính thức có hiệu lực. Mở toang cánh cửa đối với phân khúc đất nền TP.HCM được phát triển bền vững.
Đất nền luôn luôn là sự lựa chọn ưu tiên của người dân Việt Nam. Với lợi thế sẵn có, cộng thêm tâm lý của người Việt “tấc đất tấc vàng”, thị trường đất nền chưa bao giờ hạ nhiệt.
Chính vì lẽ đó, phân khúc này rất dễ xảy ra những cơn sốt ảo. Trong năm 2017 thị trường bất động sản TPHCM chứng kiến không ít cơn sốt đấy tưởng chừng sẽ trở thành “bong bóng bất động sản”.
Tuy nhiên, khác với trước kia, cơn sốt đất nền trong năm 2017 đã nhanh chóng được dập tắt nhờ những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng. Thậm chí, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM còn ra thông báo, nếu phát hiện đối tượng đầu cơ đất nền sẽ đề nghị xử lý hình sự…
Đơn cử như dự án phân lô bán nền tự phát không được nhà đầu tư quan tâm như trước, mặc dù đất đai ngày càng khan hiếm. Theo giới phân tích, đây là điều dễ hiểu, bởi sau hàng loạt cảnh báo từ cơ quan chức năng, Hiệp hội và báo chí, nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn. Bên cạnh đó, những thông tin quy hoạch về hạ tầng giao thông hay những dự án trọng điểm của Thành phố cũng ít được công bố, nên thiếu đòn bẩy cho các dự án này.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc phân khúc đất nền phát triển thiếu đồng bộ, tự phát, một phần nguyên nhân đến từ Quyết định 33/2014 ban hành với mục tiêu giải quyết cho người dân TP.HCM có khó khăn về nhà ở được tách thửa.
Theo Quyết định 33, tại các quận huyện như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi…, đất trống tách thửa phải bảo đảm ít nhất 80 m2, đất có nhà hiện hữu thì ít nhất 50 m2. Đây là lợi thế để nhà đầu tư thứ cấp lợi dụng, các nhà đầu tư đi gom đất và đứng tên cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng khu đất thành đất ở, xin quận đầu tư hạ tầng (đường giao thông, điện, cống thoát nước…).
Sau đó, họ tách khu đất lớn thành nhiều thửa diện tích khoảng 120 m2 (bảo đảm đúng Quyết định 33). Tiếp đến, chủ đầu tư xin phép xây dựng nhà ở cho các thửa đất mới tách rồi áp dụng quy định “tách thửa cho trường hợp thửa đất có nhà hiện hữu” tại Quyết định 33 để tách tiếp làm đôi, mỗi thửa chỉ cần trên 50 m2 để bán cho người mua.
Quyết định 60 ra đời đã siết lại những vấn đề về diện tích đất tối thiếu của thị trường bất động sản TPHCM. Theo đánh giá của các chuyên gia, Quy định 60 sẽ chặt đứt con đường “lách” luật để trục lợi của giới đầu cơ phân lô, chuyên xây nhà siêu nhỏ, Thành phố cũng sẽ thoát cảnh nhà siêu méo, siêu nhỏ với diện tích chỉ 20 - 50 m2.
Theo Quyết định 60, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú, diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa là 36 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3 m). Các quận gồm quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện có diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 50 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4 m). Các huyện còn lại là Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ có diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 80 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5 m).
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho rằng: “Không phủ nhận nhà nhỏ giá rẻ đáp ứng số lượng lớn người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Song, chính quyền không thể vì thế mà tiếp tục cho tồn tại những căn nhà siêu nhỏ. Nó phá nát quy hoạch đô thị, gây hệ quả lớn sau này, giống như những nhà ổ chuột, nhà ven kênh rạch, nhà xây sai quy hoạch… mà chúng ta đang khắc phục, chỉnh trang không biết tới lúc nào thì xong. Khi Quyết định 60 đi vào cuộc sống, sẽ đưa quy hoạch TP.HCM vào nề nếp và cũng giúp thị trường bất động sản một phát triển đồng bộ và bền vững hơn”.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp