Tin tức
Liệu các dự án BĐS đóng băng có thể trông cậy vào M&A?
L&L Group - Đầu năm 2016, các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án BĐS diễn ra vô cùng sôi nổi. Điều này đặt ra một câu hỏi mới cho thị trường BĐS: liệu rằng các thương vụ M&A có cứu rỗi được những dự án BĐS đã đóng băng trong thời gian vừa qua hay không?
Số lượng thương vụ M&A tăng mạnh và nhiều thương vụ đã giao dịch thành công
Giao dịch M&A tăng đáng kể
Theo số liệu thống kê, số lượng các giao dịch M&A tăng lên và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công. Nổi bật hơn cả là việc các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore ngày càng chú ý hơn đến thị trường BĐS Việt Nam. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM: “Tại TP.HCM, bên cạnh nhiều trường hợp mua bán chuyển nhượng dự án dưới hình thức mua bán cổ phần, chuyển nhượng công ty, đến nay UBND Thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 23 dự án, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2014 (trong đó, quý I-2016 có thêm 5 dự án xin chuyển nhượng), các doanh nghiệp đã tự giải quyết được nhiều dự án "trùm mền".
Một số thương vụ M&A điển hình như thương vụ giữa chủ đầu tư Keppel Land, công ty BĐS thuộc tập đoàn Keppel của Singappore và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, theo đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40% giá trị dự án, tương đương 93,9 triệu USD. Cũng trong quý I-2016, thị trường chuyển nhượng tại TP.HCM cũng nghi nhận thương vụ Công ty Trường Phát Lộc và Công ty Bất động sản Phát Đạt hợp tác mua lại dự án 132 Bến Vân Đồn (quận 4) từ Công ty Nguyễn Kim với giá trị thương vụ khoảng hơn 900 tỷ đồng. Tại Hà Nội, Tòa tháp Keangnam Landmark 72 đã có chủ mới sau khi HĐQT Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) bắt tay với Tập đoàn AON BGN đầu tư hơn 437 triệu USD để mua lại dự án này...
Theo đánh giá của chuyên gia, tốc độ M&A đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ, quy mô dự án M&A cũng rất lớn, có thương vụ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó có những thương vụ nhà đầu tư là DN trong nước.
Cứu cánh của những dự án ngủ quên
Theo lời của các chuyên gia, ưu thế của DN trong nước so với DN ngoại là cách nhìn nhận về thị trường sát hơn so với DN nước ngoài và cách mua bán đã chuyên nghiệp hơn so với trước. Bên cạnh đó, khi nhìn ra khả năng sinh lợi của dự án, DN trong nước có thể mua dự án ở mọi thời điểm (dự án chưa hoặc đã hoàn tất thủ tục pháp lý đều có thể được mua lại). Trong khi đó, các DN nước ngoài có lợi thế hơn về tài chính, kinh nghiệm trong M&A lại thường chỉ mua dự án khi đã có đất sạch, đã được cấp phép xây dựng, hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, vì thế giá thường rất cao.
Có thể nói, thị trường M&A tiềm ẩn và công khai đang diễn ra rất mạnh mẽ. Theo đó, những DN mạnh đang vượt trội lên, một loạt DN lớn đang có chiến lược thu mua những dự án treo hoặc mua những dự án đã hoàn chỉnh thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, trước tiên phải giải quyết được quyền lợi và nghĩa vụ các bên liên quan như ngân hàng, các nhà thầu, khách hàng..Để làm được điều này, phải hoàn tất các vướng mắc trong thủ tực chuyển nhượng, giải quyết quyền lợi các bên liên quan.
Trong quá trình M&A bất động sản, bên cạnh năng lực tài chính, khả năng đánh giá tiềm năng dự án, khả năng định giá, cần lưu ý khả năng tiếp quản và triển khai dự án sau chuyển nhượng để đạt hiệu quả cao.
Jen Phạm
L&L Group - Tin tổng hợp