Tin tức
Lựa chọn phương án phát triển đô thị TP HCM
LLGroup - Chọn đô thị nén hay thành phố vệ tinh? Đây là chủ đề chính được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM vừa qua.
Tại Hội Thảo, có 2 luồng ý kiến trái chiều xung quanh việc tìm ra hướng giải quyết cho nạn kẹt xe và nhà ở đông đúc tại TP. HCM. Trong đó, TS Huỳnh Thế Du – Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng cần phải làm cho mật độ dân số tăng lên và hạn chế xây đường, mở đường để tập trung nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng TP nên đầu tư phát triển đô thị vệ tinh, tiểu vệ tinh theo tuyến: dọc theo các tuyến đường bộ (các tuyến trục hướng tâm, vành đai…) cần phát triển các khu dân cư, khu đô thị tập trung, thực hiện hệ thống đường gom, không hình thành các khu dân cư tự kết nối trực tiếp ra tuyến đường chính.
Để bảo vệ quan điểm của mình, các chuyên gia đưa ra những lập luận riêng như sau:
Theo ông Du, nhiều thành phố trên các nước có diện tích phát triển đô thị rất nhỏ nhưng họ lại tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng. Chẳng hạn như Hồng Kông có diện tích khoảng 1.100 km2 nhưng chỉ dành chưa tới 200 km2 để phát triển đô thị. Còn ở phố Seoul (Hàn Quốc) diện tích 605 km2 nhưng phần phát triển của họ cũng rất nhỏ; Singapore cũng có hơn 700 km2 nhưng chỉ phát triển trong 250 km2 mà thôi, Tokyo (Nhật Bản) hơn 600 km2 nhưng cũng chỉ phát triển diện tích đô thị rất nhỏ.
So sánh với tình hình thực tế , TP. HCM có diện tích phát triển đô thị rất lớn nhưng mật độ dồn quá cao cho phương tiện vận tải cá nhân và diện tích đường quá ít. Việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng là vấn đề then chốt cần phải xem xét lại.
Về phần ông Cường, ông cho rằng trước khi phê duyệt dự án bất động sản cần đánh giá tác động giao thông khu vực dự án và phương án đấu nối giao thông để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông khu vực khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Không chỉ vậy, cần có chế tài đối với các dự án phát triển đô thị trong nội thành, nghiên cứu phương án tính toán giá trị đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ cho các quận nội thành. Giá trị nêu trên sẽ tính vào giá trị các khu đất giao cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đăng Sơn – nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cùng quan điểm với ông Cường khi cho rằngmô hình đô thị TP HCM đa trung tâm với trung tâm chính được mở rộng thành cụm trung tâm lớn hơn bao gồm: Sài Gòn – Chợ Lớn – Thủ Thiêm – Phú Mỹ Hưng – quận 4 – một phần quận Bình Thạnh và 4 trung tâm khu vực mới là mô hình tích tụ hợp lý giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, hơn là chỉ tích tụ tập trung vào trung tâm hiện hữu là Sài Gòn thì sẽ làm quá tải cơ sở hạ tầng.
Jen Phạm
L&L Group - Tin tổng hợp