Tin tức
Nhà đầu tư oằn vai với gánh nặng thủ tục hành chính
Hiện nay, các chủ đầu tư bất động sản rất chú trọng đến việc hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án của mình nhằm tăng giá trị dự án và giữ vững niềm tin đối với khách hàng. Điển hình là việc xin giấy phép xây dựng. Hành trình này tuy đơn giản nhưng lại vấp phải không ít chông gai.
Các chủ doanh nghiệp oằn vai với các thủ tục hành chính
Nói dễ nhưng không dễ
Cụ thể, một vị tổng giám đốc doanh nghiệp đã có lời phản ánh gửi đến Thủ tướng về thực trạng của các thủ tục hành chính hiện nay. Theo vị này, người đi xin giấy phép ngày càng gian nan hơn trong khi nếu thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì việc đi xin giấp phép xây dựng thì hoàn toàn không quá khó khăn.
Khi dự án đã hoàn tất các bước sơ bộ như chấp thuận dự án, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, tất nhiên nhà đầu tư có thể bắt tay vào triển khai dự án trên quy hoạch. Thế nhưng, doanh nghiệp lại phải thực hiện nhiều thủ tục khác trước khi chạm đích được điều mà mình mong đợi, chẳng hạn như phải bắt buộc có được giấy chứng nhận thẩm định phương án Phòng cháy chữa cháy của cơ quan Phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Nếu may mắn trót lọt được một ải, doanh nghiệp lại phải chật vật với những ải tiếp theo. Thông thường, các chủ đầu tư hay vấp phải vấn đề "ngày hẹn". "Ngày hẹn" thường được kéo dài vô thời hạn với nhiều lý do khác nhau. Cách duy nhất chỉ có thể là chờ đợi. Đôi khi để có một giấy chứng nhận PCCC phải mất 3 tháng.
Đã đến lúc doanh nghiệp lên tiếng
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 29/4, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này với hy vọng sẽ giãi bày được những bức xúc nhất về khó khăn, vướng mắc vấp phải tới người đứng đầu Chính phủ, để từ đó nhằm tháo gỡ, đưa môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng, thuận lợi hơn như mục tiêu Chính phủ hướng đến.
Vị tổng giám đốc nêu trên còn nhận định thêm rằng thật trớ trêu khi việc nhập thiết bị và thi công thì có thời hạn. Còn việc cấp giấy phép là vô thời hạn và những trường hợp như trên khiến cỗ máy hành chính vốn được nuôi bằng tiền thuế của dân nhưng khi ai đó cần đến thì lại chỉ nổ máy hoạt động nếu được đổ thêm nhiên liệu.
Trong bức thư gửi Thủ tướng, ông chia sẻ: "Đất nước cần cuộc cải cách thực sự. Bộ máy quản lý nhà nước phải tinh gọn. Công chức nhà nước phải bỏ thói vô cảm và vòi vĩnh. Có như thế thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển để đóng góp thiết thực vào công cuộc chấn hưng đất nước".
Jen Phạm
L & L Group - Tin tổng hợp