Tin tức
Nhận diện dòng vốn ưu tiên đổ vào bất động sản năm 2017
LLGroup – Ghi nhận trong năm vừa qua, giá bán trung bình nhà chung cư, căn hộ ở các quận trên địa bàn TP. HCM tăng khoảng 10 - 15% so với đầu năm 2015, chủ yếu do sự tăng giá ở các dự án hiện hữu và sự tham gia thị trường của một số dự án giá vừa tiền có chất lượng xây dựng tốt, quy mô lớn và nhiều tiện tích nội khu. Với tiềm năng đó, trong tương lai và năm mới 2017, nhiều dòng vốn từ các nguồn khác nhau sẽ ưu tiên đổ vào thị trường địa ốc ổn định này.
PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: thị trường tài chính năm nay diễn biến không rõ rệt. Lãi suất giảm nhưng đã chạm sàn. Tín dụng trong năm 2016 ước tính tăng 18%.
Chỉ số VNIndex cuối năm 2016 vượt vùng đỉnh 650 điểm kể từ năm 2009 đến nay. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tính tăng từ 32,4% GDP năm 2015 lên khoảng 40% GDP trong năm 2016. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2016 ước tính tăng 20,7% so với cuối năm 2015, đạt 19,55 tỷ USD.
Các khoản thu về nhà đất cũng tăng 32,6% so với dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất tăng 28% so dự toán, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tăng 38,7% so dự toán.
Kinh doanh bất động sản tăng 99,1% về số doanh nghiệp và tăng 242,5% về vốn đăng ký. Đây là lượng tăng đáng kể, khi so với công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,1% và tăng 110,7% tương ứng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá thêm rằng: "Giá BĐS thị trường sơ cấp đã tăng khoảng 5 - 7% so với đầu năm, giá bán tại thị trường thứ cấp cũng tăng khoảng 10 - 15%. Giao dịch thị trường BĐS nửa cuối năm 2016 phục hồi nhẹ sau nửa đầu năm chững lại. Phân khúc căn hộ có tỷ lệ hấp thụ lên đến gần 80%. Đây là tỷ lệ hấp thụ cao nhất trong vòng 4 năm qua".
Thực tế này cho thấy, hiện nay thị trường BĐS vẫn diễn ra cực kỳ sôi động và ổn định. Đây luôn luôn là kênh đầu tư an toàn, dễ sinh lời của mọi cư dân đồng thời nhu cầu tìm kiếm nhà đất chưa bao giờ là trầm lắng như nhiều năm về trước. Đặc biệt, thị trường chung cư, căn hộ trên địa bàn TP. HCM là điểm đến thu hút hầu hết khách hàng tiềm năng.
Không những vậy, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, tính đến nay dòng vốn kiều hối "chảy" vào lĩnh vực BĐS trên địa bàn chiếm 22%, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 72% và phần còn lại là lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, FDI đổ vào địa ốc năm 2016 chiếm tỷ trọng khá lớn và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra vào 2017.
Cơ cấu tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu BĐS, giảm tỷ trọng đối với cung BĐS. Tỷ trọng tín dụng dành cho cầu là 62% và cho nguồn cung BĐS là 38%.
Với thực tế quy mô dự án, giá trị sản phẩm bất động sản tăng mạnh. Số lượng sản phẩm bất động sản trung, cao cấp vượt xa so với các sản phẩm trung bình và giá thấp. Đồng thời, Ngân hàng đang siết chặt nguồn vốn để đảm bảo số lượng đầu tư đúng mức, tránh lãng phí tài nguyên quốc gia nên các chuyên gia đưa ra dự báo rằng: Bất động sản sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn. Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp: các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017; Từ đó, phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) chắc chắn sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.
Trước một số ý kiến cho rằng thị trường BĐS có xu hướng chững lại, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam, cho rằng: "Tôi đồng tình rằng thời gian qua có sự lệch pha về phân khúc nhà ở. Nhưng thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển nhà giá thấp, chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng bán được nhiều sản phẩm".
Ông Khương cũng cho biết thêm, việc người trẻ trong nước có xu hướng tách ra khỏi gia đình, tự lập và mua căn hộ sẽ dần phổ biến. Nắm bắt nhu cầu này, gần đây, một số công ty BĐS đã tập trung đi vào phân khúc này. Các chủ đầu tư này đang có quỹ đất tốt, chấp nhận biên lợi nhuận có phần thấp hơn phân khúc khác để tạo thanh khoản.
Đồng thời, thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua M&A sẽ góp vốn với các doanh nghiệp trong nước nhằm khai thác tốt cơ hội thị trường. Từ đó, việc phát triển quỹ đất cũng như xây dựng những chung cư, căn hộ đạt chất lượng, đề cao lợi ích cho khách hàng sẽ được đảm bảo hơn trong tương lai.
Lê Vi
LLGroup – Tin tổng hợp