Tin tức
Nhìn lại năm 2017 với 10 sự kiến đánh dấu thị trường bất động sản
19-12-2017 09:39:37 AM - 480
LLGroup – Thị trường bất động sản năm 2017 được ghi nhận nhiều nỗ lực phát triển.
1. Các chỉ số kinh tế lạc quan
Nguồn vốn FDI là chất xúc tác quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến tháng 11-2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính, các dự án FDI đã giải ngân được 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.
TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 5,68 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 3,28 tỷ USD (9,9%). Thanh Hóa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 3,16 tỷ USD (chiếm 9,5%).
Tăng trưởng GDP đạt 6,4% theo năm. Tăng trưởng tín dụng cao thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
2. Tổ chức thành công Hội nghị APEC
Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11-2017 kết thúc tốt đẹp, tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung giữa các nước thành viên.
Việt Nam đang có lợi thế sau chuyến viếng thăm tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, hứa hẹn tăng cường mối quan hệ với một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Đồng thời, Fitch và Moody's đánh giá triển vọng của Việt Nam từ ổn định sang tích cực, rất có lợi cho Việt Nam trong việc tìm kiếm thêm các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, ngày 11/11, các Bộ trưởng Thương mại 11 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã họp không chính thức và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về những nội dung lớn của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các bộ trưởng thống nhất đạt được Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thay thế cho TPP.
CPTPP sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc. Thành công của Hiệp định sẽ góp phần giúp Việt Nam kết nối tốt với các nước có nền kinh tế mạnh, tạo động lực kích thích kinh tế Việt Nam phát triển.
3. Ngân hàng giảm lãi suất
Lạm phát và lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay, bắt đầu tăng trong Quý 2/2017, do Fed tăng lãi suất và do đồng đô la Mỹ tăng giá so với tiền đồng Việt Nam. Sự gia tăng của lạm phát và lãi suất sẽ mang tới khó khăn cho thị trường bất động sản.
Những tháng đầu năm có hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, chủ yếu là ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS đã chậm lại.
Tháng 8-2017, thanh khoản hệ thống dồi dào, nhu cầu vay giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu kỷ lục, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động cũng bắt đầu giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn tuỳ theo từng ngân hàng từ 0,1-0,3%.
Việc giảm lãi suất cho vay tác động tích cực tâm lý khách mua bất động sản có nhu cầu thực. Nhiều người tranh thủ lãi suất thấp đăng ký mua nhà. Các chủ đầu tư cũng nhạy bén đưa ra nhiều phương thức thanh toán hấp dẫn: người đăng ký sớm các dự án được chọn vị trí đẹp, giá hơp lý. Khách ứng 30% giá trị nhà, khi nhận nhà mới thanh toán đủ cho chủ đầu tư.
4. TP.HCM cho phép tách thửa đất 36m2 từ năm 2018
Sau thời gian dài bị ách tắc, việc tách thửa đất tại TP.HCM đã được khơi thông bởi quyết định 60/2017/QĐ-UBND, quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa, vừa được ký ban hành. Quyết định này có hiệu lực từ 1/1/2018.
Theo quyết định này, diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM chia thành ba khu vực.
• Khu vực 1 bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú. Thửa đất hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu là 36m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m.
• Khu vực 2 gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức tối thiểu là 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m.
• Khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ tối thiểu là 80m2 và mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Quyết định mới cũng cho phép tách thửa đất nông nghiệp. Trong đó, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500 m2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000 m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
5. Giá nguyên vật liệu xây dựng đắt đỏ
Trong năm 2017, ngành xây dựng điêu đứng vì giá cát tăng quá cao. Nhiều nhà thầu xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh thi công cầm chừng vì chí phí bị đội lên.
Hiện nay, giá cát tại TP.Hồ Chí Minh tăng đột biến từ 50-200% so với thời điểm đầu năm. Giá cát xây dựng đang ở mức trên 600 ngàn đồng/m3.
Điều tra của Bộ Xây dựng cho thấy từ 2016-2020, nhu cầu về cát cần xấp xỉ 2,3 tỉ m3. Dự báo đến năm 2020, với mức độ sử dụng cát sẽ đạt khoảng 130 triệu m3/năm. Các nhà thầu lo không còn đủ cát để xây dựng.
Các nhà quản lý tại TPHCM. Đề xuất dùng tro xỉ nhiệt điện để trộn vào xi măng hoặc cho vào bê tông đầm lăn đã áp dụng trong các công trình thuỷ điện. Thành phố cũng kiến nghị Bộ xây dựng ban hành tiêu chuẩn và phối hợp với các cơ sở nghiên cứu đề xuất quy chuẩn cát hỗn hợp.
6. Dự án Metro chậm trễ cả trong Nam ngoài Bắc
Hai đại dự án metro tại TP.HCM là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương nằm trong danh mục các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng đều đang vỡ kế hoạch vốn.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km có tổng mức đầu tư của Dự án sau 3 lần nới đai đã nhảy từ 14.415 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.
Thời điểm khai thác tuyến metro tại TP.HCM dự đoán sẽ trì hoãn 6 năm nữa. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án căn hộ, văn phòng cho thuê dọc theo tuyến Metro.
7. Đơn giản hoá thủ tục hành chính
Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Trong đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến 22 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực. Xây dựng 11 thủ tục; Nhà ở 7 thủ tục; Kinh doanh bất động sản 3 thủ tục..
.
Lĩnh vực xây dựng, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Cụ thể, bãi bỏ “bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp” trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo tại điều 12 Thông tư 15/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời bổ sung thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
Với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đơn giản hóa thủ tục cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Bãi bỏ các trường thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch đối với người Việt Nam, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của người đăng ký thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong đơn đăng ký dự thi.
8. Bộ Xây dựng đề nghị TP.HCM cho xây căn hộ 25m2
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45m2 như Luật Nhà ở năm 2005. Thay vào đó, có thể cho phép xây dựng một tỉ lệ nhất định (20%-25%) số căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25m2 - 45m2 đối với các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm. Các dự án ngoài khu vực trung tâm có thể áp dụng tỉ lệ căn hộ diện tích nhỏ cao hơn.
Nhu cầu căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2-3 người tại các khu đô thị lớn, các khu vực phát triển khu công nghiệp tương đối nhiều và đã được đầu tư xây dựng tại một số địa phương.
Nhiều nước trên thế giới cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ, vẫn đảm bảo được việc quản lý quy hoạch-kiến trúc, quản lý dân số, đảm bảo điều kiện hạ tầng... Chấp nhận cho xây dựng căn hộ nhỏ, người dân đô thị cũng hưởng lợi từ các dự án nhà nhỏ giá phù hợp khả năng.
9. Cảnh báo nguy cơ huy động vốn trái quy định
Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã gửi kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực bất động sản.
Thời gian qua, một số công ty bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái quy định, kém minh bạch. Nhiều người đánh giá hình thức bán động sản này giống kinh doanh đa cấp.
Công ty bán dự án, thu tiền trước khách hàng tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của luật Kinh doanh Bất động sản.
Nếu không có sự can thiệp và chấn chỉnh của cơ quan chức năng, các hoạt động này có thể gây tác động xấu, nhiễu loạn thị trường bất động sản trong thời gian tới.
10. Mua bán đất bằng giấy viết tay vẫn được cấp sổ đỏ
Xét riêng tại TP.HCM, theo thống kê, trong số hơn 30.000 trường hợp không được cấp giấy chứng nhận thì có đến 70% hồ sơ liên quan đến vấn đề mua bán nhà đất bằng giấy tay.
Nghị định 01 cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay trong thời gian từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/1/2008 được hợp thức hóa và được cấp giấy chứng nhận (hay còn gọi là “sổ đỏ”). Thay đổi giúp rất nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay được hợp thức hóa.
Nghị định 01 cũng cho phép Sở Tài nguyên & Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận trong trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận…
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp