Tin tức
Nhìn lại thị trường BĐS TP.HCM Quí I - 2016
LL Group - Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh trong quý I-2016 vừa qua đã có những biến đổi đáng kể. Số lượng các dự án tăng tỉ lệ thuận với số lượng giao dịch phát sinh. Đây quả là điều đáng mừng bởi nó chứng tỏ được rằng thị trường bất động sản đã lấy lại được phong độ vốn có. Tuy nhiên, liệu niềm vui này có kéo dài lâu hơn trong tương lai?
Những dấu hiệu thụt lùi
Hai năm trở lại đây, thị trường BĐS "trình diễn" những con số đầy ấn tượng. Ước tính có gần 7.000 căn hộ được giao dịch thành công trong quý I, nâng tổng số căn hộ tiêu thụ được từ đầu năm đến nay lên 15.200 căn. Tuy nhiên, giao dịch trong thời gian này bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Số lượng nguồn cung mới suy giảm trong tất cả các hạng.
Cụ thể, trong bài báo cáo của mình, công ty Cushman & Wakefield nhận định : " Tổng cộng có hơn 8,400 căn từ các dự án mới và các dự án hiện hữu, trong đó hơn một nửa là tập trung khu vực phía Đông. Tính đến Quý 1.2016, đã có gần 21,200 căn hộ sẵn sàng để bán ở tất cả các hạng từ nguồn cung sơ cấp, trong đó hạng B chiếm khoảng 40%, hạng A chiếm khoảng 33% và hạng C chiếm 27%. Quận 2, 7 & Bình Thạnh tiếp tục thống lĩnh thị trường, chiếm khoảng 52% tổng nguồn cung sơ cấp. Thị trường nhà ở giảm khối lượng giao dịch trong quý, giảm gần 10% theo quý, tuy nhiên tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Quận 2, 7, 8 và Bình Thạnh chiếm gần 50% tổng khối lượng giao dịch trong quý này. Quận Bình Thạnh tiếp tục thống lĩnh thị trường nhà ở với hơn 22% tổng khối lượng giao dịch."
Nguyên nhân từ đâu?
Tính đến hiện tại, trên toàn thành phố có khoảng 1.219 dự án với quy mô 315.500 căn. Trong đó có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%), 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%), gồm 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; 231 dự án đã khởi công xây dựng, trong đó có 51 dự án đang ngưng thi công và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).
Có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Trước hiện trạng này, các chuyên gia BĐS nhận định rằng hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc suy giảm là do hiện tượng đầu cơ "tái xuất" ngày một nhiều hơn và khả năng tăng lãi suất ngân hàng trong tương lai. Khi các ngân hàng tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư bằng cách giải ngân tối đa sẽ kéo theo việc tăng lãi suất để tăng nguồn vốn. Từ đó, người mua nhà càng ái ngại về khả năng trả lãi nên càng giảm sức mua.
Mặc dù thị trường BĐS 2016 được dánh giá là có nhiều triển vọng nhưng cần loại bỏ các yếu tố tiêu cực còn tồn đọng thì mới mong duy trì được một sự phát triển bền lâu.
Jen Phạm