Tin tức
Những thách thức khi phát triển dự án “công trình xanh” tại Việt Nam
LLGroup – Khi toàn thế giới phải ứng phó với những biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì khái niệm “công trình xanh” thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và cộng đồng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Sáng ngày 26/5/2017, hội thảo “Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học – Công nghệ & Môi trường của Quốc hội. Hội thảo là một phần của việc thực hiện kế hoạch hoạt động 5 năm (2017-2020) của “Chương trình Phát triển Công trình Xanh và Bền vững” với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển công trình xanh trên phạm vi toàn quốc. Đây sẽ là nền tảng cơ bản cho việc hình thành thị trường BĐS xanh Việt Nam. Ở các nước phát triển trên thế giới, việc ứng dựng công trình xanh đã mang lại rất nhiều giá trị gia tăng, tạo đà cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng và thị trường BĐS.
Từ những năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên thì phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam chưa thực sự có nhiều hoạt động hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Theo thống kê, số lượng công trình xanh trên toàn quốc mới dừng lại ở con số 60 sau gần 10 năm triển khai. Trong khi đó tại Malaisya có 125 công trình được chứng nhận, tại Đài Loan là 500 công trình và gần 1.200 công trình tại Singapore.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những thách thức của công trình xanh tại Việt Nam đó là công tác hỗ trợ của cơ quan nhà nước còn rời rạc và chưa đồng bộ trên cả nước. Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia Công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế IFC nhấn mạnh, tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng xanh để khuyến khích đầu tư vào hạng mục này. Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Để phát triển công trình, nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng cần có sự tham gia, phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hoặc quy định trách nhiệm về phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kĩ thuật về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng”.
Diệu Linh
LLGROUP - Sưu tầm