Tin tức
Nội dung buổi Tọa đàm: Cơ hội đầu tư bất động sản Tây Nam TP.HCM
LLGroup - Để có cái nhìn khách quan về tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM, sáng ngày 5/4/2017, Tạp chí CafeLand đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “CƠ HỘI ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA TÂY NAM TP.HCM” với khách mời là chuyên gia về kinh tế, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Khách mời tham dự chương trình gồm có:
- Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
- Ông Nguyễn Đình Luận - Trưởng phòng Quy hoạch khu vực 1 - Sở QH-KT TP.HCM
- Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam
- Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa
- Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP TV - TM - DV Địa ốc Hoàng Quân
- Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Nếu như trước đây, trục Đông – Nam TP HCM là điểm nóng của thị trường BĐS, thì trong thời điểm hiện tại, làn sóng đầu tư từ nhỏ lẻ đến quy mô đã dần chuyển dịch về phía Tây Nam thành phố. Ghi nhận thực tế của CafeLand cho thấy, nhiều nhà phát triển bất động sản đang âm thầm thu gom từng hecta đất ở phía Tây Nam TP.HCM dưới nhiều hình thức để chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh dài hơi.
Khác với các trục đô thị đã phát triển tương đối hoàn chỉnh ở phía Đông và Nam, khu vực phía Tây Nam TP HCM có chi phí đầu vào để phát triển bất động sản còn thấp. Giá nhà đất khu vực này cũng tương đối phù hợp với khả năng chi trả. Nhất là chiến lược phát triển các khu đô thị vệ tinh cho TP.HCM rất cần đến quỹ đất rộng lớn thế này.
Phát biểu của ông Lê Hoàng Châu
Ông Lê Hoàng Châu mở đầu phần Tọa đàm bằng lời nhận xét: con đường phát triển ở khu Tây đang đi theo khu Nam và khu Đông: đó là hạ tầng đang đi trước 1 bước. Bên cạnh đó khu Tây đang có sự tăng cường dịch vụ phục vụ cho người dân.
Chẳng hạn như các tuyến đường lớn Đại lộ Đông Tây, đường Nguyễn Văn Linh, tuyến metro số 3a, cao tốc Bến Lức-Long Thành, Quốc lộ 50 mở rộng, cầu Nhị Thiên đường mới, cộng với các khu đô thị mới đang hình thành…là những hạ tầng đã tương đối phát triển. Ngoài ra, khu vực này càng ngày càng đầy đủ, từ các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học đều đã được xây dựng.
Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường bất động sản khu vực phía Tây Nam gần như chưa có 1 dự án bất động sản cao cấp nào.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
Phát biểu của ông Nguyễn Đình Luận
Việc các doanh nghiệp đề xuất với chính quyền để đầu tư vào Tây Nam là điều tất yếu nhằm phát triển dự án được thuận tiện nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi muốn phát triển nhiều loại hình bất động sản mới thì đề xuất phải phù hợp với quy hoạch chung. Vì vậy, Sở Quy hoạch kiến trúc yêu cầu doanh nghiệp phát triển trên tinh thần không ảnh hưởng đến quản lý chung của thành phố.
Ông Nguyễn Đình Luận - Trưởng phòng Quy hoạch khu vực 1 - Sở QH-KT TP.HCM
Phát biểu của bà Dương Thùy Dung
Thời gian gần đây thị trường phía Tây (Quận 6, Quận 8, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh) đang có những bước tiến vượt bậc vì sự phát triển của hạ tầng khu vực.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam
Trong năm 2016 và quý 1/2017, khu Tây có thị phần lớn hơn cả phía Đông và phía Nam. Năm 2016, nguồn cung căn hộ ở phía Tây đã tăng lên 25% tương đương 8.800 căn và trong quý 1/2017 đạt 35%.
Tỷ lệ giao dịch rất tốt ở khu Tây, hấp dẫn đồng thời người mua để đầu tư và người mua để ở. Hầu hết các dự án được bán ra với tỷ lệ giao dịch thành công lên tới 80-90%. Tại một số dự án trước đây có tỷ lệ bán không tốt thì hiện nay sau khi “đổi chủ” được thay đổi thiết kế và phương thức thanh toán thì tỷ lệ bán đạt đến hơn 90%.
Phát biểu của ông Trương Anh Tuấn
Tuy không thua kém khu Đông, Nam nhưng kết nối hạ tầng khu Tây thành phố gặp khó khăn ở khâu đền bù giải tỏa đất đai, điều chỉnh quy hoạch cục bô. Mặt khác, thủ tục hành chính kéo dài, xử lý chưa chuyên nghiệp, còn bỡ ngỡ với các khái niệm mới gây không ít rối rắm cho doanh nghiệp.
Phát biểu của ông Trần Khánh Quang
Đa phần dự án ở phía Tây đều là của doanh nghiệp nhà nước, thiếu dự án BT hoặc BOT. Phía Tây có quỹ đất rất lớn nhưng chính sách chưa đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư về đây để “kéo” thị trường bất động sản phía Tây phát triển.
Việc phát triển các sản phẩm bất động sản vừa túi tiền và các loại hình bất động sản mới như office-tel để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều đối tượng khách hàng, nhất là nhóm khách hàng cần một căn nhà vừa đủ ở chứ không phải một căn nhà quá tiện nghi hoặc rộng rãi.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa
Phát biểu của ông Nguyễn Văn Đực
Quận 8 là khu vực đang được các nhà đầu tư đổ bộ mạnh nhất. Hiện nay, hệ thống kênh rạch chằng chịt đã chuyển từ yếu điểm sang lợi thế. Vừa gần sông, vừa có hạ tầng giao thông đường bộ đang được đầu tư mạnh, quận 8 còn có quỹ đất nhiều và giá bán cũng thấp hơn các khu khác. Đây là quận quy tụ nhiều yếu tố để phát triển rực rỡ.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Jen Phạm
L&L Group – Tin tổng hợp