Tin tức
Sắp đầu tư đường Vành Đai 4
LLGroup – Tuyến đường Vành Đai 4 có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam bộ, giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM và đẩy mạnh sự phát triển của thị trường bất động sản.
Bộ Giao thông - Vận tải đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và tỉnh Long An về những vấn đề liên quan đến dự án tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc Đường Vành đai 4 TP.HCM.
Cụ thể, đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (chủ đầu tư) cho biết: Hiện nay còn vướng giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM là 73 hộ dân và doanh nghiệp; tỉnh Long An còn 1 hộ dân.
Về vấn đề này, đại diện UBND TP.HCM và tỉnh Long An cam kết sẽ giải quyết xong việc giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đối với dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc đường Vành đai 4 TP.HCM, theo trình bày của đơn vị tư vấn, khi thực hiện dự án này sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của TP.HCM và tỉnh Long An.
Đồng thời, tuyến đường này có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam Bộ, tạo điều kiện giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô của TPHCM; tạo điều kiện kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với khu vực miền Đông Nam Bộ.
Về phạm vi dự án, điểm đầu nằm ở nút giao Bến Lức (giao giữa đường cao tốc TPHCM - Trung Lương với đường tỉnh 830) thuộc địa phận Thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An; điểm cuối dự án kết nối với đường trục Bắc Nam nằm trong khu quy hoạch cảng - công nghiệp Hiệp Phước thuộc địa phận xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương như: Tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc); TPHCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè.
Mặt cắt ngang đường giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5m; trên tuyến có 10 cầu vượt sông và 1 cầu vượt nút giao tại nút giao Quốc lộ 1A. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 6.707 tỷ đồng.
Về phương án tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn huy động của nhà đầu tư và vốn hỗ trợ của Nhà nước thông qua quỹ đất đối ứng của các địa phương. Phương án hoàn vốn từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ, hỗ trợ của nhà nước. Dự án dự kiến sẽ được triển khai đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT.
Góp ý cho dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị tư vấn thiết kế dự án cần cập nhật các quy hoạch phát triển của TP, cũng như nghiên cứu vấn đề quản lý xây dựng nhằm hạn chế bồi thường giải phóng mặt bằng; phải tính toán thu hồi quỹ đất để kêu gọi đầu tư.
TP.HCM ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án và giao cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) tính toán nghiên cứu tham gia đầu tư để hỗ trợ cho Bộ Giao thông - Vận tải cũng như đơn vị đầu tư có thêm nguồn vốn. Tuy nhiên, việc thu phí hoàn vốn dự án, Bộ cần nghiên cứu kỹ.
Tuyến đường Vành Đai 4 được đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực miền Đông nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng. Từ đó, thị trường bất động sản Tp.HCM, đặc biệt là thị trường Nhà Bè và khu vực phía Nam sẽ phát triển sôi động.
Lê Vi
LLGroup – Tổng hợp