Tin tức
Thận trọng với dòng vốn chảy ngược – Đầu tư bất động sản nước ngoài
LLGroup - Bên cạnh sự sôi động của thị trường Bất động sản Việt Nam, thời gian vừa qua một lượng không nhỏ dòng tiền nội địa đã đổ ra nước ngoài mua nhà tại nhiều nước trên thế giới.
Dòng vốn chảy ngược
Đằng sau những số liệu thống kê tươi sáng về nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam, dòng tiền nội địa cũng lặng lẽ kiếm tìm cơ hội đầu tư nơi xứ người. Chia sẻ của chị Trần Thái Nhu – giám đốc của một công ty dược tại quận 5 TP.HCM, đầu năm trước khi đang nắm trong tay hơn 10 tỷ đồng với mong muốn đầu tư vào bất động sản, chị tìm mua một căn biệt thự tại một dự án ven sông quận 7. Tuy nhiên dự án này có giá tới hơn 20 tỷ đồng/căn. Thời điểm đó, thị trường bất động sản trong nước luôn có dấu hiệu của sự biến động, lãi suất cho vay mua bất động sản tại Việt Nam lại khá cao, cộng thêm tính toán tương lai lâu dài cho cậu con trai chuẩn bị đi du học Australia, chị Nhu quyết định dành số tiền đó tìm mua một căn biệt thự tại đây. Theo tư vấn của các công ty bất động sản Australia và đại lý ở Việt Nam, thị trường bất động sản tại nước này ổn định, giá tăng đều theo chu kỳ quý, thủ tục không rườm rà, hơn nữa khi người nước ngoài mua nhà được ngân hàng hỗ trợ tới 60% thông qua bảo lãnh từ phía công ty tư vấn và luật sư.
“Sau khi con trai kết thúc thời gian du học, căn nhà bán đi vẫn kiếm được khoản lời, bởi chế độ thanh toán và bán nhà tại đây khá dễ dàng” – chị Nhu tính toán.
Bà Nguyễn Lê Vân – Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn bất động sản Iwealth Pro cho biết, lượng khách hàng Việt Nam đổ ra đầu tư bất động sản tại nước ngoài khá lớn xuất phát từ nhu cầu giáo dục cho con em, định cư, đầu tư,...
Australia nổi tiếng với chế độ an sinh xã hội tốt, lại ổn định về kinh tế chính trị, luật pháp rõ ràng. Không khó hiểu khi nước này dẫn đầu danh sách ưu tiên mua nhà định cư, trong đó đáng kể là người Trung Quốc và người Việt Nam.
Cũng theo bà Vân, với lượng cầu luôn lớn hơn cung gấp nhiều lần nên thị trường bất động sản Australia thu hút nguồn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, giá nhà cứ theo đó tăng đều đặn hứa hẹn cơ hội đầu tư béo bở.
Australia, Canada, Anh,... là một trong số những nước có thủ tục nhập cư không quá khắt khe, không những vậy còn mời gọi người nước ngoài sang đây để định cư lại với tâm lý sính ngoại của người dân nên cũng dễ hiểu nếu người Việt Nam đổ vốn vào thị trường bất động sản nước ngoài.
Rủi ro khi đầu tư bất động sản nước ngoài
Bà Nguyễn Lê Vân cho biết: “ở Việt Nam có khoảng 3 – 4 công ty làm cầu nối trực tiếp với các chủ dự án ở Australia. Ngoài ra, còn nhiều những công ty khác chuyên về thị trường Canada, Mỹ, Singapore... đang làm nhiệm vụ kết nối, tư vấn sản phẩm bất động sản cho người dân Việt Nam”
Trong khi đó ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện tại TP.HCM chỉ có hai công ty có giấy phép và đang thực hiện giao dịch bất động sản nước ngoài là Công ty nhà Thủ Đức có chi nhánh tại Mỹ và công ty Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài hai công ty trên, các công ty khác đang hoạt động trong lĩnh vực này mà chưa được Nhà nước cấp phép thì đó là hoạt động sai pháp luật.
Rủi ro rất cao khi nhiều người Việt Nam đổ tiền ra nước ngoài qua những công ty bất hợp pháp, đầu mối không đàng hoàng.
Pháp luật Việt Nam đang thắt chặt dòng chảy ngoại hối ra nước ngoài, vậy mà việc đầu tư ra nước ngoài từ nội địa lại diễn ra mạnh mẽ như vậy, không thể không nghi ngờ rằng trong số đó có các hình thức đầu tư không chính thống, hoạt động đầu tư ngoài luồng, mang tính không hợp pháp.
Nhìn vào thị trường bất động sản Việt Nam cuối năm 2016 đầu năm 2017 đang được vốn nước ngoài ưu ái, hàng loạt các dự án được tung ra, giao dịch trong nước sôi động đem so sánh với những rủi ro khi đầu tư bất động sản nước ngoài thì cơ hội sinh lời tại Việt Nam quả thực không hề kém cạnh. Với lãi suất ngân hàng tại nhiều nước gần như bằng 0, việc sinh lời khi đầu tư tại nước ngoài có chăng cũng chỉ từ việc mua đi bán lại nhất thời. Trong khi đó, rủi ro chính sách của nước sở tại thay đổi hay việc mua đi bán lại qua tay nhiều bên rất dễ rơi vào những đầu mối không đàng hoàng.
Lời khuyên từ các chuyên gia bất động sản là nếu không từ những lý do như nhu cầu định cư, đầu tư cho giáo dục của con em thì việc đầu tư vào các dự án tại Việt Nam vẫn nên được ưu tiên hơn cả. Riêng việc cập nhật xu hướng thị trường tại Việt Nam cũng như cơ hội kịp thời đối phó với rủi ro thì nhà đầu tư Việt Nam chắc hẳn phải chủ động hơn so với khi đầu tư ở nước ngoài.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp