Tin tức
Thị trường bất động sản 2018: “giữ phong độ” và “ổn định”
LLGroup – Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam 2017 (Viet Nam Real Estate Summit) diễn ra vào ngày 13/12, các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra những nhận định tổng quan về thị trường bất động sản năm 2017 cùng các dự báo và xu hướng phát triển của BĐS Việt Nam trong năm 2018.
Nói về những tác động kinh tế vĩ mô khiến thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2018 được nhìn nhận lạc quan, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính Ngân hàng nhận định: Kinh tế tăng trưởng khởi sắc, lạm phát thấp, kiều hối lấy lại đà tăng trưởng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh được cải thiện rõ nét, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh… là những “điểm sáng” thúc đẩy nền kinh tế trong nước nói chung, thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng phát triển ổn định, tích cực trong năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: Tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức cao, năng suất lao động thấp…
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam nhận định: Năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ vẫn giữ phong độ như năm 2017, nguồn cung và sức mua tiếp tục ổn định. Trong đó, phân khúc đất nền phân lô, căn hộ hạng B và C, BĐS nghỉ dưỡng (biệt thự, condotel) vẫn là loại hình được các NĐT quan tâm, mức lợi nhuận kỳ vọng đạt từ 10-20% tổng giá trị BĐS. Phác họa chân dung các NĐT BĐS trong 10 năm qua, đại diện DKRA đã chỉ ra sự thay đổi nhất định về độ tuổi, hành vi tìm kiếm, sản phẩm - phương thức- mục đích- thời gian – tâm lý đầu tư BĐS. Sự thay đổi này đã tác động trực tiếp đến nhu cầu, hành vi khai thác thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại. Khách mua không đặt kỳ vọng quá cao về lợi nhuận mà đi theo hướng phát triển ổn định, bền vững.
Ở góc nhìn của nhà tư vấn, bà Dương Thùy Dung, giám đốc khối cấp cao CBRE Việt Nam đánh giá khá cao về sự lạc quan của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2018. Theo bà Dung, trong 2 năm tới nguồn cung BĐS vẫn phát triển ổn định, các dự án pháp lý hoàn thiện tiếp tục được đẩy hàng. Trong đó phân khúc trung cấp vẫn chiếm ưu thế về số lượng nguồn hàng và giao dịch trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. “Loại hình BĐS cao cấp được nhận định “chững hơn” nhưng sức mua vẫn khá ổn định trong các năm tới”, bà Dung khẳng định.
Sự chuyển biến của thị trường bất động sản cũng khiến hoạt động maketing trong lĩnh vực này bắt buộc phải thay đổi để thích ứng phù hợp. Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen Việt Nam, phương thức tìm kiếm khách hàng tiềm năng phải táo bạo hơn, đúng thời điểm và “trúng” nhu cầu thực tế. Chiến lược marketing phù hợp là rất quan trọng trong các năm tới. Xu hướng thị trường năm 2017 có thể khác với thị trường năm 2018, theo đó, marketing thành công là phải đánh đúng đối tượng và phù hợp với mỗi phân khúc, giai đoạn.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của CenGroup lại có cái nhìn “táo bạo” hơn về tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Ông cho rằng, BĐS công nghiệp và thương mại sẽ lên ngôi, quỹ đầu tư và kênh huy động vốn sẽ tham gia nhiều hơn. Trong đó thị trường sẽ xuất hiện một thế hệ người mua mới. Họ sẽ hiểu biết và thực dụng hơn, sử dụng công cụ tài chính nhiều hơn, thay đổi hành vi, ứng dụng công nghệ 4.0 trong mua hàng BĐS…từ đó cạnh tranh trong ngành BĐS sẽ bùng nổ mạnh mẽ.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp