Tin tức
Thị trường BĐS: 2017 chững lại theo chu kỳ, tạo đà cho 2018
LLGroup – Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo các đơn vị nghiên cứu, con số thanh khoản của năm 2017 sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Thế nhưng đây không phải tín hiệu xấu.
Chưa có số liệu chính thức về lượng giao dịch sản phẩm bất động sản trong năm 2017 vì còn gần 2 tuần nữa mới hết năm, nhưng theo các đơn vị nghiên cứu, con số thanh khoản năm nay sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Đây là sự chững lại cần thiết sau thời gian tăng nóng của thị trường giai đoạn 2015-2016. Dù thanh khoản có chững lại, nhưng niềm tin vào thị trường địa ốc của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vẫn rất lớn.
Điều này thể hiện rõ ở quy mô vốn và số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới của năm 2017. Từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây quy mô vốn đã tăng lên đến 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Theo số liệu của Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, dù tín dụng bị siết, nhưng dòng vốn chảy vào bất động sản vẫn ấn tượng. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh bất động sản của Việt Nam đến 31/10/2017 là khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, tăng khoảng 5% so với đầu năm.
Tại thời điểm cuối năm 2017, sau một năm nghe ngóng, các chủ đầu tư cũng rục rịch trở lại cùng những kế hoạch mới, với sản phẩm được cơ cấu để phù hợp hơn với nhu cầu của số đông người có nhu cầu ở thật, hứa hẹn giúp thị trường năm 2018 sẽ sôi động hơn. Đã có những yếu tố để kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất. Có thể xem đây là nền tảng đang được xây dựng tốt để tạo đà kỳ vọng cho năm 2018.
Chưa kể các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong việc mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam cho người nước ngoài, càng tạo thêm lực đẩy cho thị trường địa ốc năm 2018.
Sự tăng trưởng đó sẽ kéo theo sự phát triển của các hình thức đầu tư công cụ tài chính, các quỹ gián tiếp, hay việc mở rộng hệ thống tín dụng huy động từ dân cư để phục vụ cho lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn phát triển tiếp theo mà thị trường đang hướng tới.
Dẫu vậy, cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh những nền tảng cơ bản tốt đang có sẵn, vẫn còn nhiều hạn chế mà thị trường đang đối mặt như tranh chấp chung cư, tình trạng nhiễu loạn thông tin, thổi giá, tình trạng vẽ dự án ảo… để lừa người tiêu dùng đang manh nha trở lại.
Đây là những vấn đề cần giải quyết, xử lý nghiêm minh để có thể tạo ra một môi trường ngày càng an toàn, minh bạch hơn cho mọi thành viên tham gia thị trường bất động sản.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp