Tin tức
Thị trường BĐS 2019: hướng thẳng ra vùng ven
LLGroup - Năm 2019, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều có kế hoạch phát triển dự án tại các tỉnh lân cận TP.HCM.
Mới đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa chính quyền TP.HCM và doanh nghiệp bất động sản do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì, có hàng chục ý kiến đến từ lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc cho rằng, năm 2018 là một năm khó khăn với doanh nghiệp. Có những đơn vị rất lớn mà cả năm không giới thiệu được một dự án mới nào, trong khi những năm trước họ luôn dẫn đầu về lượng hàng mới mở bán.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “TP.HCM thực tế đã chuyển mình thành một siêu đô thị, đóng góp lớn cho sự phát triển của cả nước. Với thị trường bất động sản, định hướng phát triển sắp tới cũng sẽ được kiểm soát phù hợp với hướng phát triển chung của Thành phố, không phát triển tự phát như thời gian qua”.
Tất cả những yếu tố chủ quan và khách quan đó đang làm cho thị trường bất động sản TP.HCM trở nên giảm tính cạnh tranh trong năm 2018. Theo các doanh nghiệp, dự kiến khó khăn này sẽ tiếp tục trong năm 2019 khi những ý kiến của họ gửi tới lãnh đạo TP.HCM để từ đó chuyển tải lên Chính phủ, Quốc hội chưa được xử lý, thì chính quyền Thành phố lại tiếp tục công bố kế hoạch phát triển thị trường từ nay tới năm 2020. Theo đó, sẽ hạn chế tối đa cấp phép dự án bất động sản mới tại các quận trung tâm, đặc biệt quận 1 và quận 3.
Giới phân tích thị trường cho rằng, khi thị trường bất động sản trung tâm TP.HCM gặp khó khăn thì sẽ là lúc các mũi nhọn khác của thị trường thêm đà, thêm lực phát triển. Đó là những lực ly tâm hướng ra thị trường bất động sản vùng ven, thị trường bất động sản liên kết vùng đến từ các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Củ Chi, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…
Thực tế, theo báo cáo thị trường bất động sản 2018, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, kết thúc quý III/2018, điều dễ thấy nhất đó là thị trường có dấu hiệu chững lại bởi lượng hàng mới ra ít hơn hẳn so với những năm 2016 - 2017.
Ngoài ra, ở những năm trước, lượng hàng giá rẻ, tầm trung dẫn đầu trong cơ cấu hàng hóa mới ra thị trường bất động sản TP.HCM, nhưng năm 2018, đã có sự lệch pha. Đó là số lượng hàng cao cấp chiếm tỷ trọng cao hơn so với phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Tuy nhiên, với hướng phát triển mới tập trung vào BĐS vùng ven, sẽ giúp cân bằng thị trường, giải quyết vấn đề khan hàng, đặc biệt là dòng hàng giá rẻ.
Lợi thế lớn nhất mà thị trường BĐS vùng ven có được, đó là quỹ đất rất rộng, giao thông kết nối hoàn thiện và dần hiện đại hóa. Đơn cử như các tuyến Metro số 1 nối về tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến Metro số 2, số 5 kết nối tỉnh Long An vào TP.HCM. Hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 kết nối 3 tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai bao quang TP.HCM… Hay như tuyến cao tốc nối TP.HCM với các vùng như những trục giao thông xuyên tâm TP.HCM ra các tỉnh đang tạo một cánh tay nối dài cho thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven làm mũi nhọn cho thị trường trung tâm TP.HCM đi lên.
Thêm vào đó, năm 2017, TP.HCM quyết định bỏ quy định phải có hộ khẩu TP.HCM mới được làm việc tại các ngành như giáo dục, y tế, viên chức tại đây. Điều này đã mở cửa cho người dân có thể ở các tỉnh vùng ven và đi vào TP.HCM làm việc mà không cần có hộ khẩu tại địa phương này.
Một điểm nữa cho thấy thế mạnh của thị trường các tỉnh vùng ven, đó là TP.HCM đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ thực hiện giãn một lượng lớn dân cư vùng trung tâm ra vùng ven để giảm tải gánh nặng dân số, giao thông trong trung tâm Thành phố. Đó cũng là nền tảng để các chủ đầu tư đổ tiền của triển khai dự án “đón đầu”.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp
Tag: thi truong bat dong san, thị trường bất động sản