Tin tức
Thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM đang ở giai đoạn chuyển mình
LLGroup – Bà Võ Khánh Trang – Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn, Savills TPHCM nhận định: TP.HCM và Hà Nội đang đi vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, sánh ngang với những thành phố khác trong khu vực.
Theo bà Trang: "Thị trường căn hộ TP.HCM được thúc đẩy bởi nguồn cầu nhà ở mạnh mẽ, trong khi đó phân khúc cao cấp đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực. Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, sự gia tăng các chủ đầu tư nước ngoài và các chính sách vĩ mô phù hợp, thị trường nhà ở có triển vọng tăng trưởng đầy lạc quan",
Cũng nhận định về thị trường BĐS, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, thị trường nhà ở tại Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Thứ nhất, là cơ cấu dân số Việt Nam, là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực. Dựa trên những nghiên cứu và phân tích số liệu của Savills, có thể thấy thị trường nhà ở Việt Nam đang được hưởng lợi từ một cơ cấu nhân khẩu học vàng.
Việt Nam có quy mô dân số khá lớn với 94 triệu người. Tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc... cho thấy nước ta còn rất nhiều dư địa cho việc mở rộng đô thị. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay 2,6%, đến năm 2030, 69% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại khu vực đô thị.
Thứ hai, sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Mặt khác, việc quy mô hộ gia đình ngày càng giảm cũng đem đến cho thị trường nhà ở nguồn cầu mới từ các gia đình nhỏ tách hộ (bao gồm các hộ gia đình 1 người).
Các yếu tố này dẫn đến trung bình hàng năm số lượng hộ gia đình mới có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 81.000 và 63.000. Nếu xét đến nhu cầu đến từ thâm hụt nhà ở xuống cấp thì con số này là 130.000 và 134.000, tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường nhà ở tại 2 thành phố.
Dù vậy, so với thị trường BĐS Hà Nội, phân khúc nhà ở giá rẻ đã và vẫn đang dẫn dắt thị trường TPHCM. Ngược lại, các sản phầm trung cấp lại đang phát triển tốt nhất tại Hà Nội.
"Người mua nhà tại Hà Nội thường chú trọng nhiều hơn đến vị trí của dự án, đòi hỏi một vị trí gần trung tâm, thuận tiện đi làm, cho con cái đi học và dễ dàng kết nối đến các tiện ích như bệnh viện, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng... Chủ đầu tư vì vậy phải lựa chọn giữa việc phát triển dự án ở khu vực gần trung tâm với chi phí đất cao hơn, hoặc đầu tư nhiều hơn vào các tiện ích nội khu cho các dự án xa trung tâm. Việc này khiến nguồn cung và các giao dịch nhà ở tập trung chủ yếu ở phân khúc trung cấp", bà Hằng nhận định.
Bên cạnh đó, Bà Võ Khánh Trang cũng cho biết thêm, việc chính quyền địa phương ở TP.HCM công bố giới hạn về việc cấp phép phát triển dự án đăng ký mới trong “Chiến lược phát triển nhà ở tới năm 2020”, tuy nhiên chỉ giới hạn cho những dự án xin cấp phép mới. Những dự án phát triển đã được phê duyệt và trong quy hoạch vẫn sẽ tiếp tục được triển khai.
Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trưởng nhà ở TPHCM chuyển biến tích cực trong năm 2019.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp
Tag: thi truong bat dong san, thị trường bất động sản