Tin tức
TP. HCM – Đầu tư 25 tỷ USD để xây dựng tàu điện ngầm
LLGroup – Hiệu quả của hệ thống metro không chỉ giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông, cải thiện chất lượng đời sống người dân, thu hút hành khách mà còn mang lại lợi nhuận cho nhà điều hành, thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Đối với việc xây dựng hệ thống metro tại TP. HCM, thành phố đang thực hiện khoản đầu tư không chỉ cho vài năm tới mà còn cho cả hàng trăm năm về sau.
25 tỉ USD là tổng mức đầu tư dự kiến để xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm dài hơn 221 km ở TP. HCM. Đó là con số được UBND TP. HCM nêu ra trong văn bản trả lời Bộ Công thương về việc hợp tác xây dựng tàu điện ngầm tại TP. HCM vào hôm 3/4 vừa qua.
UBND Thành phố cho biết theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 568/2013) về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 thì dự kiến có tám tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray (monorail, tramway) được xây dựng xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của Thành phố.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố (MAUR) đã và đang thực hiện bốn tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 1, số 2, số 3a và số 5 và đang kêu gọi đầu tư cho các tuyến còn lại với tổng vốn đầu tư hơn 11,6 tỉ USD (dài hơn 76 km).
Theo đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km với tổng mức đầu tư gần 2,5 tỉ USD, do JICA (Nhật Bản tài trợ). Dự án này đang triển khai thực hiện các gói thầu chính và dự kiến hoàn thành dự án vào cuối năm 2020.
Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11 km với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỉ USD. Dự án này đang trong quá trình điều chỉnh và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2024.
Tương tự, Tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài gần 9 km, tổng vốn đầu tư khoảng 1,67 tỉ USD. UBND Thành phố đã trình Thủ tướng xem xét để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu KOICA (Hàn Quốc) đang phối hợp với MAUR thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, chuẩn bị báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để sớm trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2017 dự án tuyến metro số 5 - giai đoạn 2 (bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền) dài 14,5 km với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỉ USD.
UBND Thành phố cũng cho biết dự kiến tư vấn hoàn tất nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro số 4b-1 (công viên Hoàng Văn Thụ - sân bay Tân Sơn Nhất) dài 2 km, tổng vốn đầu tư khoảng 250 USD trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2017… Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã tài trợ phần hỗ trợ kỹ thuật để xem xét, nghiên cứu và rà soát lại báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án tuyến metro số 3a, gồm hai đoạn bến Thành - bến xe Miền Tây (giai đoạn 1) và bến xe biền Tây - Tân Kiên (giai đoạn 2). Tổng vốn đầu tư của dự án này cho cả hai giai đoạn là trên 3 tỉ USD.
Cạnh đó, MAUR cũng đang kêu gọi đầu tư sáu tuyến đường sắt đô thị và ba tuyến monorail với tổng mức đầu tư gần 13,3 tỉ USD với tổng chiều dài hơn 145 km (xem thêm trong box).
UBND Thành phố cho biết, để xem xét khả năng tham gia của liên doanh giữa Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô và Tập đoàn Mosmetrostroy vào các dự án tàu điện ngầm nêu trên, UBND Thành phố đã chỉ đạo MAUR làm việc với Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô về hình thức và phương thức hợp tác đầu tư để đề xuất các phương án phù hợp theo quy định.
Sở dĩ việc xây dựng tàu điện ngầm được đầu tư một lượng tiền lớn như vậy là bởi tuyến đường sắt Metro sau khi hoàn thành sẽ góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của Thành phố, giảm phương tiện di chuyển cá nhân. Đặc biệt, dự án Metro còn làm tăng giá trị nhà đất và nhiều dự án bất động sản gần tuyến đường Metro đi qua, đem lại nhiều điểm tích cực cho khách hàng cả hiện tại cũng như tương lai.
Lê Vi
LLGroup – Tin tổng hợp