Tin tức
TPHCM: “Cứu” đường Vành đai 3
LLGroup - Được quy hoạch từ nhiều năm nhưng Đường Vành đai TP HCM chưa thực hiện do Trung ương chưa bố trí được vốn. TPHCM quyết định sẽ ứng vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trước tiên.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP HCM.
Dự án đường Vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và được điều chỉnh từ năm 2013. Theo quy hoạch được duyệt, đường Vành đai 3 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, Bình Dương ,TP HCM, Long An và với chiều dài gần 90 km. Dự án này gồm 4 phân đoạn, trong đó hiện chỉ có đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 16 km) thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, đã được đầu tư và đang khai thác.
UBND TPHCM sẽ đề nghị HĐND tạm ứng ngân sách 2.939 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, đường Vành đai 3 TP HCM dài gần 90 km, gồm 4 đoạn với tổng số vốn khoảng 55.805 tỷ đồng. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng là hơn 5.630 tỷ tại 4 địa phương.
Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sau đó đi qua 4 tỉnh thành là Đồng Nai; TP HCM; Bình Dương và Long An. Điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM -Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tuy nhiên, hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km đã được đầu tư. Phần còn lại của dự án, gồm Nhơn Trạch - Tân Vạn (gần 35 km); Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 (hơn 19 km) và Quốc lộ 22 - Bến Lức (gần 29 km) được đơn vị nghiên cứu đánh giá là thực sự cần thiết và phải nhanh chóng đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa khởi động được do chưa có vốn.
Trong đó, riêng đoạn từ Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đi qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh của TP HCM để kết nối vào huyện Bến Lức, tỉnh Long An dài gần 48 km được đánh giá là "cực kỳ cần thiết" để kéo giảm kẹt xe. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn một của đoạn tuyến này là 950 triệu USD.
Để sớm hoàn thành dự án, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) - đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án, kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo UBND TP, dự án đường Vành đai 3 được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng đối với TP. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo ra sự kết nối, khép kín các tuyến đường vành đai của TP như Quốc lộ 1, 13, 22, 1K cùng các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... sẽ giảm thời gian đi lại cũng như hạn chế ùn tắc giao thông cho cả vùng. Điều này được chứng minh thông qua việc đoạn 2 của dự án đang được khai thác với 4 làn xe đã giảm áp lực giao thông rõ rệt ở cửa ngõ chính từ Bình Dương qua TP là các tuyến Quốc lộ 1, 13, 1K…
Ghi nhận thực tế cho thấy trên tuyến Quốc lộ 1K, lượng phương tiện từ TP qua Bình Dương và ngược lại được chia bớt qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn (trùng một phần với đoạn 2 của dự án đường Vành đai 2). Việc này làm tăng sự kết nối, rút ngắn khoảng cách đi lại với các trục đường lớn khác như DT743, DT742, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội…
Trong khi đó, chỉ cần nhìn riêng dự án thành phần 1B (thuộc giai đoạn 1 của đoạn 1, từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội) cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng đầu tư. Bởi khu vực này tập trung nhiều cụm cảng lớn cùng các KCN, trong khi những tuyến đường hiện hữu đang khai thác như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ… khó mở rộng nên thường xuyên chịu cảnh ùn ứ. Chưa kể, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện cũng trong tình trạng quá tải, liên tục kẹt xe tại đoạn giao với đường Mai Chí Thọ. Vì vậy, đường Vành đai 3 qua khu vực này được xem là một yêu cầu bức thiết để giảm áp lực giao thông hiện nay. Tương tự, ở các phân đoạn khác của dự án đường Vành đai 3 qua TP, các tuyến đường đang khai thác hầu hết đều là các trục huyết mạch, luôn dày đặc các loại xe bởi không có đường thay thế, dù nhu cầu đi lại rất lớn. Các tuyến Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 hiện đang chịu áp lực giao thông nặng nề, dù TP đã thực hiện hàng loạt dự án nhỏ như mở rộng đường, xây cầu vượt, mở rộng nút giao…
Trước thực trạng cấp bách trên, UBND TP quyết định vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM ban hành ngày 24-11-2017 để "giải cứu" các đoạn đường Vành đai 3 đi qua TP. Nghị quyết nêu rõ: Đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn TP, cho phép TP sử dụng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của TP, vay trong phạm vi quy định tại khoản 7 của điều này hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư (PPP) để sớm hoàn thành dự án. Ngân sách trung ương có trách nhiệm hoàn trả cho TP phần dự toán chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bao gồm phần lãi vay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo.