Tin tức
TP.HCM – Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên khởi động cuối năm 2019
LLGroup – Tuyến xe buýt nhanh nếu đi vào sử dụng sẽ có nhiều tác động tích cực đến thị trường BĐS bởi sự phát triển của hạ tầng giúp cho việc đi lại và di chuyển của người dân trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Dự án xe buýt nhanh (BRT) hay còn gọi là dự án giao thông xanh. BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn, có sức chở cao gấp 2 - 3 lần xe buýt thường (tùy vào số lượng toa xe) và được chạy trên một làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do chạy trên một làn đường riêng nên xe buýt BRT không bị ùn tắc như xe buýt thường.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2019 người dân sẽ được sử dụng phương tiện xe buýt nhanh (BRT) dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Tuyến buýt nhanh đầu tiên tại TP.HCM có vốn đầu tư lên đến 143 triệu đô la Mỹ và được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn khoảng 25 phút di chuyển so với xe buýt thường hiện nay.
Theo báo cáo tại cuộc họp về phát triển BRT tại TP.HCM chiều ngày 14/6, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường nói thành phố đang triển khai nhiều dự án giao thông đô thị lớn như metro, các tuyến xe buýt nhanh, giao thông xanh…
Theo quy hoạch, đến năm 2050 TP.HCM có 8 tuyến tàu điện ngầm (metro) và 6 tuyến buýt nhanh (BRT), hai phương thức giao thông hiện đại này sẽ phục vụ khoảng trên 30% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.
Theo đó, trước mắt đối với BRT thành phố sẽ ưu tiên xây dựng tuyến BRT số 1 phát triển theo hành lang ưu tiên cao tuyến Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ nhằm góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Tổng chiều dài tuyến buýt nhanh đầu tiên này là 23 km theo lịch trình khai thác năm đầu kéo dài từ vòng xoay An Lạc đến ga Rạch Chiếc. Tuyến này gồm hai làn xe với mỗi làn rộng 3,5 mét đi kèm với các hạng mục như cải tạo 6 cầu bộ hành hiện hữu và xây mới 11 cầu bộ hành, 28 trạm dừng, 8 bãi đậu xe cá nhân, di dời các hệ thống cây xanh dọc tuyến...
Tổng mức đầu tư là 143 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới khoảng 123 triệu đô la Mỹ và còn lại là vốn đối ứng. Suất đầu tư tính ra khoảng 3,5 triệu đô la Mỹ cho một km, nếu so sánh với suất đầu tư các tuyến BRT trên thế giới thì mức này là trung bình.
Hiện dự án đang trong giai đoạn thiết kế, dự kiến cuối năm nay xong thiết kế để đến tháng 8-2018 sẽ thi công xây dựng và đến tháng 12/2019 chính thức được vận hành, đại diện Sở Giao thông vận tải thông tin chiều nay.
Dự báo trong năm đầu tiên vận hành, tuyến BRT số 1 sẽ vận chuyển khoảng 10.000 lượt hành khách mỗi ngày và sẽ tăng lên 20.000 khách/ngày trong 5-10 năm tiếp theo. Tốc độ buýt nhanh tuyến này khoảng 30 km/giờ, giúp rút ngắn được khoảng 25 phút di chuyển nếu so với phương tiện buýt thường hiện nay.
Lê Vi
LLGroup – Tin tổng hợp