Tin tức
Triển vọng BĐS Việt Nam còn lớn khi FDI vẫn đẩy mạnh đầu tư
LLGroup – Theo ý kiến của các chuyên gia, dù trải qua thời gian thăng trầm kéo dài nhưng bất động sản Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, đã có nhiều nhà đầu tư quyết định đẩy mạnh hơn hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua nhiều hình thức.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ phát triển đồng bộ hơn nếu những khoản đầu tư gián tiếp của Việt kiều, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam được triển khai nhanh.
Theo báo cáo phân tích diễn biến thị trường BĐS quý I/2017 của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Vietnam), Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã thu hút 493 dự án đăng ký mới với khoảng 2,9 tỷ USD và 3,9 tỷ USD vốn FDI tăng thêm từ 223 dự án. Trong tổng số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đăng ký mới đạt 3,75 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng nguồn vốn FDI, theo sau là Singapore (910,9 triệu USD) và Trung Quốc (823,6 triệu USD).
Trong đó, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm 84,9% tổng FDI và hoạt động kinh doanh BĐS thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.
Có thể thấy dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, không chỉ hiện tại mà còn có thể tăng liên tục hơn nữa ở tương lai.
Trong bối cảnh nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng đều đặn, thị trường căn hộ bán ở cả 2 thị trường trọng điểm là TP. HCM và Hà Nội cũng ghi nhận các hoạt động mở bán và lượng bán hàng khá mạnh mẽ.
Tại Hà Nội, lượng mở bán mới đạt 9.174 căn, tương đương với quý IV/2016. Tại TP. HCM, lượng mở bán đạt 8.565 căn, giảm 3% so với quý IV/2016. Lượng mở bán trên được ghi nhận từ nhiều địa bàn quận/huyện thuộc hai thành phố và tất cả các phân khúc.
Với thị trường bán lẻ, nguồn cung trung tâm thương mại ở cả 2 thành phố này đều ổn định trong quý I khi không có trung tâm thương mại nào khai trương. Giá thuê ở các khu vực ngoại thành vẫn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi giá thuê ở khu vực trung tâm diễn biến theo hai xu hướng trái chiều.
Riêng đối với thị trường căn hộ TP. HCM, trong khi số lượng căn hộ cao cấp, tầm trung bán ra giảm đi thì chung cư vừa túi tiền vẫn tăng 10%. Trong quý II, dự kiến sẽ có 62.200 căn hộ được bán ra thị trường cho thấy xu hướng nhà ở giá tầm trung, phù hợp với nhu cầu thực vẫn rất được ưa chuộng đối với khách hàng.
Về triển vọng thị trường BĐS, JLL Vietnam đánh giá rằng, cung - cầu tiếp tục gặp nhau với lượng bán đạt mức cao. Thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP. HCM được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong các quý tiếp theo nhờ hệ thống hạ tầng và sự tăng trưởng nhanh của thị trường bán lẻ.
Cùng các dự án có quy mô từ vài chục đến hàng trăm triệu USD tiếp tục đổ vào thị trường, ông Quang cho biết, nguồn đầu tư cho BĐS còn lớn hơn nữa nếu thúc đẩy được nhu cầu sở hữu, kinh doanh BĐS bởi nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ các Việt kiều, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cần nghiên cứu kỹ về uy tín cũng như khả năng tài chính của các nhà đầu tư ngoại nhằm tránh tình trạng vì áp lực phải thu hút bằng mọi cách, dẫn đến nhiều dự án được đầu tư khủng nhưng khả năng giải ngân không có hoặc giải ngân rất thấp.
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ bước từng bước và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơn. Nhưng với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ Việt Nam, về lâu dài thì làn sóng FDI vào Việt Nam sẽ có xu hướng mạnh dần và ngày một phát triển.
Lê Vi
LLGroup – Tin tổng hợp