Tin tức
Khơi thông cho nguồn cung căn hộ
LLGroup – Nhìn toàn cảnh 2018, thấy rõ vấn đề nổi cộm là nguồn cung căn hộ sụt giảm rõ rệt. Một trong những nguyên do đến từ vướng mắc thủ tục pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp BĐS TPHCM không thể ra hàng trong năm 2018.
Nếu năm 2017 thị trường BĐS sôi động với hàng loạt dự án mới được ra mắt. Thời điểm đó, mỗi dự án thấp nhất cũng hơn 300 căn hộ và nhiều nhất lên tới hơn 2.000 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM lại rất khan hiếm nguồn cung mới, nhiều doanh nghiệp lớn, mang tính dẫn dắt thị trường chỉ có 1 dự án, thậm chí có đơn vị không chào bán dự án nào trong năm 2018.
Có nhiều dự án được các chủ đầu tư dự kiến ra hàng quý trong quý IV/2018, nhưng tới nay vẫn không thể ra hàng, chủ yếu do vướng về vấn đề pháp lý.
Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP.HCM năm nay có dấu hiệu sụt giảm rõ nét. So với cùng kỳ năm 2017, số lượng dự án mới giảm 11,1%, tổng số căn nhà mới đưa ra thị trường giảm 39,2%. Phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 9,6%, trong khi phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5% và phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%.
Trong 10 tháng của năm 2018, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở được đưa ra thị trường thuộc 65 dự án đạt 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn và 1.075 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%, phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%, phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, lý do chủ yếu của việc nguồn cung giảm sút đến từ câu chuyện pháp lý.
“Từ năm 2017 tới nay, TP.HCM liên tục ra những văn bản thông báo hạn chế cấp phép dự án mới tại các quận trung tâm Thành phố, trong khi quỹ đất có sẵn của các doanh nghiệp địa ốc phần nhiều nằm ở các quận bị hạn chế cấp phép này”, ông Châu nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cho biết, chỉ tiêu dân số cũng đang là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị và làm giảm tính khả thi của dự án.
Ông Trung cho rằng, chỉ tiêu dân số hiện nay không còn phù hợp, vì vượt quá con số dự đoán. Cùng với đó, quy trình xác định giá đất, thẩm định giá đất còn nhiều điểm bất hợp lý khi tính tiền sử dụng đất của dự án, làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, thậm chí có thể mất cơ hội kinh doanh.
“Một vấn đề khác là thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư bị kéo dài, gây thiệt hại cho quyền lợi của người mua nhà và gây căng thẳng không đáng có giữa chủ đầu tư và khách hàng”, ông Trung nói.
Chưa kể một số doanh nghiệp địa ốc vướng mắc trong vấn đề giải tỏa di dời, thủ tục pháp lý,... khiến tiến độ công trình trì trệ, phải trả hàng trăm tỷ đồng tiền lãi vay mỗi năm. Một số doanh nghiệp vì lý do khách quan không thể hoàn thành cam kết với cổ động về kế hoạch bán hàng và lợi nhuận, buộc phải tinh giảm biên chế.
Trước những vướng mắc về thủ tục pháp lý, HoREA và nhiều doanh nghiệp mong muốn được sớm tháo gỡ để thực hiện dự án, vì chậm trễ ngày nào, sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp ngày đó.
“Theo thông lệ, các chủ đầu tư thường ồ ạt tung ra dự án mới vào cuối năm để đón mùa mua nhà cao điểm trong năm. Tuy nhiên năm nay, đa số các doanh nghiệp lớn đều không có dự án mở bán, nên nguồn cung sẽ giảm mạnh so với các năm trước”, ông Châu nhận định.
Cũng theo ông Châu, trước đó, HoREA đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc quyết định thay thế để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu "chân gỗ", "quân xanh, quân đỏ".
Hiệp hội cũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp có dự án nằm trong diện có sai phạm về việc giao đất. Theo đó, vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian, của cải xã hội và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).
Nếu được chấp thuận kiến nghị này, các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, điểm nghẽn gây ách tắc nguồn cung sẽ được khơi thông, vì hiện nay hầu như các dự án đều bị trục trặc pháp lý bởi quỹ đất mua đấu giá.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp
Tag: thi truong bat dong san, thị trường bất động sản