Tin tức
TP.HCM muốn tăng giá trị gói thầu thuộc tuyến metro số 1
LLGroup – UBND TP.HCM vừa gửi văn bản đến Bộ Tài chính về việc tái phân bổ hiệp định vay vốn của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Tài chính gửi văn bản chính thức đến nhà tài trợ JICA về việc đề xuất phân bổ giá trị khoản vay nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn ODA để giải ngân cho các gói thầu xây lắp trước ngày hiệp định vay hết hạn. Với mong muốn tăng thêm 2.641 triệu Yên (549 tỷ đồng) với gói thầu xây lắp thiết bị. Như vậy, so với mức cũ là 11.567 triệu Yên (2.406 tỷ đồng), gói thầu này có thể bị đẩy lên 14.208 triệu Yên (2.956 tỷ đồng).
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có chiều dài 19,7km, đi qua quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức và một số phần cuối tuyến thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trong đó, đoạn đi trên cao dài 17,1km, đoạn tuyến đi ngầm dài 2,6km.
Dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên (metro Bến Thành – Suối Tiên) có nguy cơ chậm tiến độ do đang gặp phải nhiều khó khăn. Sau 3 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án đã nhảy từ 14.415 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.
UBND TP.HCM cho biết, có hiệu lực từ ngày 27/7/2007, hiệp định vay vốn sẽ hết hạn vào ngày 27/7/2017, với tổng trị giá là 20.887 triệu Yên Nhật (tương đương 4.344 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay, giá trị giải ngân mới đạt 17.600 triệu Yên. 3.287 triệu Yên Nhật là số tiền chưa giải ngân và chủ yếu thuộc hạng mục tư vấn thầu, dự phòng.
Ngày 17/3/2017, trước khi hiệp định hết hạn, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có văn bản về việc tái phân bổ nốt nguồn vốn của hiệp định trên.
Trước đó, văn bản UBND TP.HCM gửi Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra rằng, đối với 4 gói thầu xây lắp đang thi công, việc thanh toán đã bị ngưng từ tháng 9/2016 đến nay. Lý do là bởi số vốn ODA giao cho TP.HCM thấp hơn nhiều so với khối lượng các nhà thầu đã hoàn thành (1.945 tỷ đồng), chỉ có 592,7 tỷ đồng.
Do đó, để kịp thanh toán cho các đơn vị tư vấn và nhà thầu, TP.HCM đã phải tạm ứng từ ngân sách thành phố 600 tỷ đồng.
Dự kiến, vốn ODA năm 2017 phân bổ cho dự án là 2.119 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được ghi vốn kế hoạch, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động…
Dù đã tăng vốn nhiều lần nhưng dự án vẫn có nguy cơ chậm tiến độ và bị phạt lãi chậm thanh toán do lệch pha giữa tiến độ thi công của nhà thầu và việc thanh toán.
Diệu Linh
LLGroup – Tổng hợp